Thống kê mới nhất của Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP HCM) trên các thai phụ được tầm soát đái tháo đường thai kỳ thường quy tại đây cho thấy có đến 14% được xác định là mắc bệnh. Theo PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng Khoa Sản bệnh, phụ trách đơn vị quản lý đái tháo đường trong thai kỳ của BV Hùng Vương - khoảng 20 năm trước, tỉ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ được ghi nhận ở một số BV tại TP HCM chỉ khoảng 2%-3%, giai đoạn 2002-2004 tăng lên 5,7% và hiện nay là 10%-15%.
Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con
Mang thai con thứ hai, chị Ng.T.T (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cảm thấy mệt mỏi nhiều vào tháng thứ hai của thai kỳ, đồng thời không tăng cân dù chế độ ăn đã thay đổi. Mệt mỏi ngày càng tăng và khi người chị gái sang thăm, buộc T. đi khám thai đầy đủ, thử nước tiểu… thì chị mới phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ.
“Rất may, “gấu con” đã ra đời khỏe mạnh” - chị T. chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo tấm hình cậu con kháu khỉnh vừa ra đời tại BV Từ Dũ.
Theo BS Trang, đái tháo đường thai kỳ nếu không kiểm soát tốt có thể làm gia tăng bệnh suất và tử suất ở cả thai phụ lẫn thai nhi. “Ở mẹ, đó là tăng tỉ lệ mổ sinh do con to, tăng tỉ lệ tiền sản giật và sản giật, tăng tỉ lệ băng huyết sau sinh do sinh khó, nguy cơ đái tháo đường type 2 sau sinh… Ở con, bệnh là một trong những nguyên nhân gây đột tử thai nhi, tăng tỉ lệ sang chấn sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do em bé bị to khi sinh, tăng nguy cơ thai suy trong chuyển dạ, tăng tỉ lệ tử vong và bệnh tật chu sinh. Con của các bà mẹ đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ đái tháo đường và béo phì về sau, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ…” - ông cảnh báo.
Cần khám thai đủ quy trình
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết ông từng gặp khá nhiều trường hợp thai phụ sau khi thử thai tại nhà, chỉ đi siêu âm để biết chắc có thai nên không phát hiện được đái tháo đường thai kỳ từ sớm, từ đó dẫn đến nguy cơ mẹ và con đều bị bệnh.
“Theo Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế, tầm soát đái tháo đường nằm trong các xét nghiệm thường quy khi thai phụ đi khám thai. Vì vậy, khi đăng ký khám thai đầy đủ, thai phụ sẽ được thử nước tiểu, kiểm tra lượng đường để phát hiện đái tháo đường, kiểm tra đạm niệu để xác định tiền sản giật. Với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này, người béo phì, người có các triệu chứng bất thường như ăn uống nhiều vẫn sụt cân… thì càng chú ý đi khám đầy đủ vì đây là nhóm có nguy cơ” - BS Thông khuyên.
Theo BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, đa số các nghiên cứu cho thấy việc phát hiện, quản lý tốt mức đường trong máu giúp cải thiện kết cục thai kỳ và nhiều bà mẹ bị mắc bệnh này vẫn cho ra đời những đứa con khỏe mạnh. Tại BV Hùng Vương, 60% thai phụ mắc bệnh có thể trải qua thai kỳ an toàn và thoải mái ở nhà sau khi thay đổi chế độ ăn theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng của BV. Trong số 40% còn lại phải vào BV để điều trị, 4/5 đáp ứng tốt với chế độ ăn dinh dưỡng do đơn vị dinh dưỡng của BV nấu. Như vậy, chỉ có khoảng 8% người bệnh cần dùng isullin để kiểm soát đường huyết.
BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc BV Hùng Vương, khuyên các bà mẹ nên có chế độ chăm sóc con hợp lý nếu bị đái tháo đường trong thai kỳ. Với những em bé có thể gặp nguy cơ, thường sau khi ra đời sẽ được chuyển sang đơn vị sơ sinh để kiểm tra kỹ lưỡng và kịp thời xử lý nếu có bất thường. Với những ca nặng, Khoa Sản bệnh, Khoa Sơ sinh cùng các khoa, phòng liên quan sẽ hội chẩn để đưa ra phương án tốt nhất cho cả mẹ và con. Sau khi xuất viện, người mẹ nên tuân thủ những hướng dẫn của BS về việc chăm sóc trẻ để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh.
Nguy cơ bệnh tiếp diễn
PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết các khảo sát tại BV Hùng Vương cho thấy 8% thai phụ tiếp tục mắc bệnh đái tháo đường sau khi hết thai kỳ thay vì tự khỏi bệnh như phần lớn trường hợp. Cụ thể, sau 6 tuần hậu sản, họ vẫn được xác định là còn bệnh. Những người tự khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì theo các nghiên cứu, có đến 50% bà bầu từng bị đái tháo đường thai kỳ sẽ mắc đái tháo đường mãn tính type 2 khi bước vào tuổi trung niên.
Do đó, để không mắc bệnh hoặc nếu mắc cũng không nặng, các sản phụ sau khi sinh nở nên có sự thay đổi về lối sống, bắt đầu một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, khoa học.
Bình luận (0)