Biểu hiện của viêm tụy cấp gần giống với đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày, tá tràng, ngộ độc thức ăn, viêm ruột thừa… khiến nhiều người chủ quan, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Tất niên xong là nhập viện
Sau bữa tiệc tất niên thịnh soạn với bạn bè, anh Nguyễn Trần V. - 35 tuổi, ngụ ở quận Đống Đa, TP Hà Nội - thấy đau bụng, buồn nôn. Nghĩ mình bị căn bệnh dạ dày mạn tính hành hạ nên anh V. tự uống thuốc rồi nằm ở nhà theo dõi. Đến nửa đêm, cơn đau càng dữ dội kèm theo khó thở, vã mồ hôi. Lúc này, người nhà vội vàng đưa anh đến bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do rượu, kèm theo tình trạng suy gan - thận, phải thở máy và lọc máu. Theo người nhà của anh V., từng là “tín đồ” của rượu nhưng vì bị đau dạ dày mạn tính nên anh V. phải kiêng rất nhiều nhưng do dịp cuối năm, bị “cuốn” vào các buổi hội họp, tổng kết, tất niên nên anh đã uống quá đà.
Trường hợp khác là bệnh nhân Vũ Tuấn L., 56 tuổi, quê Hải Phòng. Ông L. đã được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn nhiều, huyết áp tụt, sốt cao, tiêu chảy... Theo người nhà bệnh nhân, bình thường ông L. ít “làm bạn” với rượu nhưng những ngày cuối năm hay có tiệc tùng, liên hoan nên cứ rời khỏi bàn tiệc là ông về nhà trong tình trạng say mèm. Cách đây ít ngày, trong lúc đang “chén chú chén anh” tại một đám ăn hỏi, ông L. bỗng thấy khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, bụng đau dữ dội như dao đâm… rồi gục ngay tại bàn tiệc. Ông L. được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tụy cấp do rượu bởi xét nghiệm cho thấy chỉ số amylase - một men tiêu hóa quan trọng của tụy - tăng cao bất thường trong máu và nước tiểu. Vợ ông L. cho biết gần 2 tuần nằm viện, riêng viện phí, thuốc men cho ông L. đã ngốn gần 90 triệu đồng nhưng cũng chưa biết khi nào được xuất viện.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rượu có xu hướng tăng lên trong những ngày cuối năm, giáp Tết. Ngoài những bệnh nhân suy đa tạng, hôn mê phải điều trị kéo dài, rất tốn kém cũng có không ít trường hợp tử vong do nhiễm độc rượu nặng. Hiện số bệnh nhân viêm tụy do rượu chiếm 1/4 số bệnh nhân của cả khoa. GS Bình cho biết hiện khoa đang điều trị cho một bệnh nhân nam 57 tuổi, ở Bắc Ninh đang trong tình trạng suy đa tạng, tổn thương não. Trước khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu 3-4 ngày liên tục tại các đám cưới, liên hoan. Theo GS Bình, với tình trạng của bệnh nhân này, nguy cơ tử vong là rất lớn.
Dễ nhầm với đau dạ dày
Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước đây, viêm tụy thường do sỏi mật, sỏi tụy, giun chui ống mật nhưng trong những năm gần đây, tỉ lệ viêm tụy cấp do rượu bia tăng lên một cách rõ rệt. Dù chưa có thống kê ở quy mô lớn về tình trạng viêm tụy do rượu nhưng số bệnh nhân viêm tụy cấp có nguyên nhân từ rượu, do uống nhiều rượu trong thời gian dài chiếm 70%-80% tổng số bệnh nhân bị bệnh này. Theo bác sĩ Thạch, ở những bệnh nhân viêm tụy thể nhẹ, nếu được cấp cứu kịp thời và điều trị nội khoa thì có thể khỏi trong vòng 3-5 ngày. Tuy nhiên, ở thể nặng có thể gây biến chứng trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy gan - thận, loét dạ dày - tá tràng..., điều trị rất khó khăn và tốn kém. “Trước đây, viêm tụy cấp có tỉ lệ tử vong cao, từng lên đến 50%, nay dù có tiến bộ trong điều trị với máy móc, thiết bị hiện đại nhưng số tử vong vẫn chiếm 10%-15%. Hơn nữa, điều trị viêm tụy cấp đòi hỏi thời gian lâu dài từ 2-4 tuần với chi phí điều trị khoảng 5-6 triệu đồng/ngày, thậm chí 20 triệu đồng/ngày ở những bệnh nhân viêm tụy cấp nặng” - bác sĩ Thạch nói.
Theo bác sĩ Thạch, hầu như tuần nào Khoa Điều trị tích cực cũng tiếp nhận bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu. Có những bệnh nhân cấp cứu 3-4 lần liên tiếp vì vừa ra viện lại uống rượu khiến bệnh tái phát nhanh. Đối tượng mắc bệnh viêm tụy do rượu chủ yếu là nam giới. Ngoài ra, nguy cơ bị viêm tụy cấp cũng sẽ tăng lên ở những người bị mỡ máu cao hay mắc một số bệnh chuyển hóa.
Giới chuyên môn cho biết viêm tụy cấp thường khởi phát với cơn đau bụng dữ dội đến mức nghẹt thở, toát mồ hôi hoặc choáng ngất. Bệnh thường bột phát sau khoảng 1-2 giờ tham dự những bữa tiệc thịnh soạn, nhiều dinh dưỡng, uống nhiều rượu bia… Biểu hiện đau này gần giống đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày, tá tràng nên không ít người tìm thuốc trị đau dạ dày uống tạm. Thậm chí có những trường hợp sau buổi tiệc tùng, bị nôn, đi ngoài, nhiều người cứ ngỡ do ngộ độc thức ăn, chủ quan không đi khám ngay nên đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Cận Tết, ngộ độc do rượu gia tăng
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết liên tục những tuần gần đây đã tiếp nhận cấp cứu các ca ngộ độc rượu. Ngoài những trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol (cồn công nghiệp), còn có các trường hợp do uống quá nhiều rượu... Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol nhẹ thì ảnh hưởng đến thị lực; nặng thì ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận... và thường rất dễ tử vong. Ngay cả bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch cũng để lại di chứng nặng nề.
Còn với bệnh nhân ngộ độc ethanol do uống quá nhiều rượu, trường hợp nhẹ thì bị ức chế thần kinh trung ương làm rối loạn hành vi, cảm xúc; nặng thì gây tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, loạn thần, chảy máu dạ dày...
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!