Một nhóm các nhà tâm lý học thuộc Đại học Texas (Mỹ) và Đại học Mount Alison (Canada) đã thử nghiệm quét não bộ của 20 người đàn ông thuộc 2 nhóm có hành vi tình dục đối lập nhau.
10 người trong số đó thuộc tuýp người thích "một vợ một chồng", với 5 hoặc ít hơn các "đối tác" từng trải qua trong đời và ít khi tơ tưởng đến người khác khi đang trong một mối quan hệ. 10 người còn lại thích những cuộc phiêu lưu tình ái, có thể có nhiều bạn tình cùng lúc.
Sự lãng mạn rất có ý nghĩa với đời sống lứa đôi - ảnh: INTERNET
Rất bất ngờ, dữ liệu trên máy quét cho thấy não bộ họ phản ứng như nhau khi nhìn thấy hình ảnh những cô gái gợi cảm và những cô gái nhàm chán. Sự khác biệt chỉ được nhận thấy khi họ tiếp xúc với những bức ảnh lãng mạn: những cặp đôi ôm nhau, nắm tay, trong không gian tình tứ. Bộ não của nhóm "chung thủy" phản ứng mạnh mẽ với các hình ảnh này, trong khi nhóm ngoại tình hoặc có nhiều bạn tình lại khá thờ ơ.
Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể "đổ thừa" bộ não là nguyên nhân khiến ai đó không chung thủy. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một hành vi có tính học hỏi.
Những người đàn ông chung thủy từng có những trải nghiệm gắn bó lãng mạn, khiến não bộ của họ luôn gắn kết hình ảnh người bạn đời với những khoái cảm êm dịu, dễ chịu mà họ luôn muốn được cảm nhận thêm lần nữa. Đó là lý do họ hiếm khi cần tìm niềm vui bên một bạn tình khác.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này tuy mới gói gọn trong đối tượng là nam giới, nhưng cũng đủ để bạn hiểu ra rằng: khó khăn trong quan hệ lứa đôi không thể đổ lỗi cho sự lạc lối về sinh học đơn giản. Đây cũng không phải lần đầu tiên khoa học chứng minh rằng sự lãng mạn tốt cho các mối quan hệ lứa đôi và tình dục có sự lãng mạn thì "gây nghiện" hơn tình dục đơn thuần.
Nghiên cứu trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học Archives of Sexual Behavior.
Bình luận (0)