TS-BS TRẦN VIẾT THẮNG, Phó Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM), trả lời: Hạ đường huyết thường dễ xảy ra ở người bệnh đái tháo đường uống thuốc hạ đường huyết quá liều, ăn kiêng hay vận động quá mức... Đây là một tình trạng cấp tính nguy hiểm, không ít trường hợp nhập viện đã hôn mê, nguy kịch.
Một người bệnh được gọi là hạ đường huyết khi mức đường trong máu dưới 70 mg/dl, được chia thành 3 nhóm: Mức độ 1 là mức đường dưới 70 mg/dl; mức độ 2 là dưới 54 mg/dl; mức độ 3 là bị hạ đường hôn mê cần sự hỗ trợ, bất kể mức đường như thế nào. Nguyên nhân thường gặp nhất liên quan việc sử dụng thuốc và ăn uống không phù hợp. Hoặc người bệnh vận động quá mức hay trong những ngày có bệnh khác đi kèm (cảm cúm), ăn uống ít hơn nhưng vẫn dùng thuốc như cũ thì nguy cơ hạ đường vẫn cao.
Khi có triệu chứng hạ đường nhẹ (đói, vã mồ hôi, run tay) nên thử đường tại nhà. Tại thời điểm đó, nếu mức đường dưới 70 mg/dl thì ăn hoặc uống một lượng đường thích hợp (3 muỗng đường pha nước hoặc nửa lon nước ngọt, sữa) càng sớm càng tốt. Sau đó, tùy nguyên nhân mà có những xử trí tiếp theo, phòng ngừa tiếp diễn.
Khi tình trạng nặng, người bệnh đã rối loạn tri giác, lơ mơ thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Xin nhắc lại là đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí hạ đường huyết kịp thời. Nguy hiểm cần tránh là không cạy miệng người bệnh để đổ nước đường vào (gây sặc, viêm phổi) hoặc chữa theo kiểu dân gian sẽ bỏ lỡ thời gian.
Để phòng hạ đường huyết, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, ăn đúng bữa, không được bỏ bữa. Trong người luôn đem theo kẹo, đồ ngọt dùng khẩn cấp khi cần, đặc biệt khi không có người bên cạnh. Khi tái khám phải báo với bác sĩ nếu có triệu chứng hạ đường để điều chỉnh thuốc cho đúng.
Bình luận (0)