Ngày 20-10, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc nội khoa mới đây đã tiếp nhận và cứu sống một nam bệnh nhân 37 tuổi, tại Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích.
Trước khi nhập viện bệnh nhân có tham gia chạy phong trào và bất ngờ chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu trong lúc chạy bộ. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện E.
Nam bệnh nhân nhập viện do ngất xỉu trong lúc đang tham gia giải chạy bộ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt, chẩn đoán bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức, theo dõi tình trạng tiêu cơ vân.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, buộc phải điều trị tích cực, lọc máu. Sau hai tuần điều trị tích cực, tinh trạng bệnh nhân cải thiện, có nước tiểu.
Khai thác tiền sử, được biết trước giải chạy 3 ngày, bệnh nhân bị sốt. Sau khi hết sốt, anh nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy.
Theo bác sĩ Phong, mỗi năm tại đây đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Bệnh nhân thường có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Trước đó, ngày 15-10, một người đàn ông đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngay sau đó được người nhà và người có mặt tại công viên gọi cấp cứu. Dù được cấp cứu ép tim ngừng tuần hoàn, sau đó được đưa đến viện nhưng người đàn ông đã không qua khỏi.
Các bác sĩ cho biết chạy bộ và chơi thể thao rất tốt cho sức khỏe nhưng mỗi người cần lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, theo dõi sức khỏe, không nên gắng sức vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể.
Quá trình tập luyện cần tuân thủ tập từ nhẹ, tăng dần cường độ để cơ thể thích nghi. Trong quá trình tập luyện nên bổ sung nước, điện giải đầy đủ. Cần chú ý tới các dấu hiệu như: khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế thăm khám.
Bình luận (0)