Ngày 26-5, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác gồm các chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Bệnh viện Nhi trung ương đến Cao Bằng để điều tra ổ dịch.
Kết quả điều tra cho thấy từ ngày 20-4 đến 21-5, có 21 bệnh nhân ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm bị viêm não cấp, trong đó 7 ca tử vong. Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát vào ngày 20-4 và tử vong sau đó một ngày.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, những trẻ này tử vong do virus Coxsackie A6. Đây là virus gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ. Các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp bị ho và khó thở, sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong.
“Hiện còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 1 trường hợp nặng và 7 trường hợp đã ổn định. Đến ngày 27-5, không phát hiện thêm trường hợp mắc mới” - ông Phu cho biết.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, thành viên đoàn chuyên gia, cho hay bệnh diễn biến rất nhanh. Trong 2-3 ngày đầu, trẻ có các triệu chứng sốt, ho; 4-5 ngày sau sẽ nôn, tiêu chảy, sau đó rối loạn tri giác rồi hôn mê. Sau khoảng 12-24 giờ, trẻ xuất hiện rối loạn huyết động và tử vong rất nhanh.
Sau khi giám sát, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm. Kết quả, 2 mẫu dương tính với Coxsackie A6 - chủng virus gây bệnh viêm màng não, viêm não cấp và nhiều bệnh nguy hiểm khác; không có mẫu nào dương tính với virus cúm.
Theo ông Trần Đắc Phu, virus Coxsackie là một Entervirus ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm, tay chân miệng, viêm não…. Virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa và không bị tiêu diệt bởi môi trường axít dịch dạ dày. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau người, buồn ngủ, chán ăn, nôn, tiêu chảy.
Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ thường nhiễm virus Coxsackie rải rác trong cả năm nhưng gia tăng vào mùa hè và mùa thu, nhiều ở khu vực phía Bắc. Cả người bệnh lẫn người lành mang virus đều có khả năng lây bệnh sang người khác, nhất là trẻ em. Đến nay, bệnh do virus Coxsackie vẫn chưa có vắc-xin phòng chống.
Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang yêu cầu tăng cường các biện pháp chỉ đạo, xử lý dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và tử vong. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát thực địa, cử cán bộ dịch tễ và lâm sàng từ tuyến tỉnh hỗ trợ tại tuyến huyện và xã trong công tác xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân.
Có dấu hiệu, đến ngay cơ sở y tế
Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung và do virus Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Người dân nên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày và sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh môi trường. Người dân, đặc biệt là trẻ em, khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)