Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết viêm phổi hít có thể đe dọa tính mạng trẻ nhỏ, thông qua các tai nạn hết sức thông thường và cả việc sơ cứu sai.
Nguy cơ suy hô hấp nặng
Vừa qua, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo, kỹ thuật ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) suốt 10 ngày cho một cháu bé 15 tháng tuổi chỉ vì xử lý sai lầm của người nhà khi cháu uống phải dầu parafin dùng để thắp đèn bàn thờ.
"Nếu như ngày trước chưa có ECMO, cháu đã không qua khỏi" - BS Bạch Văn Cam - Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Việt Nam, cố vấn của BV Nhi Đồng 1 - nhấn mạnh khi kể về ca bệnh nói trên. Động tác gây nôn vô tình của người nhà đã khiến cháu bị viêm phổi hít nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng.
Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến cho biết ngoài uống nhầm chất bay hơi (dầu thắp đèn), ông còn gặp nhiều cháu bé bị viêm phối hít sau khi đuối nước mà nguyên nhân là do bị ép bụng. Người nhà cứ nghĩ ép cho ọc bớt nước ra là cứu được người đuối nước, thực ra không phải. Một số trường hợp trẻ bị ọc sữa nặng cũng có thể dẫn đến viêm phổi hít.
"Tuy có tỉ lệ xảy ra thấp nhưng đây là một vấn đề nguy hiểm. Đó là tình trạng chất bay hơi, nước uống chứa dịch dạ dày, sữa... trào ngược vào đường thở, lan vào các phế nang, gây tổn thương hóa học. Sau 6 giờ xảy ra, tình trạng này có thể gây biến chứng bội nhiễm dẫn đến suy hô hấp nặng" - BS Tiến thông tin.
Cần sơ cứu đúng
Tốt nhất là tránh để xảy ra tai nạn nhưng khi xảy ra rồi, người lớn xung quanh cần sơ cứu đúng để tránh tình trạng gây viêm phổi hít đe dọa tính mạng trẻ. Đối với tình trạng uống nhầm hóa chất bay hơi, theo BS Bạch Văn Cam, việc gây nôn chỉ làm trẻ hít vào nhiều chất bay hơi hơn.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1 (nơi cháu bé 15 tháng tuổi nói trên uống nhầm dầu parafin đang được điều trị), cho biết thêm trong cùng ngày còn có 1 ca khác cũng uống nhầm dầu parafin. Tuy nhiên, do bé không bị móc họng cho nôn nên tình trạng nhẹ hơn nhiều, chỉ cần thở NCPAP ít lâu là hồi phục, có thể xuất viện sau vài ngày.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang nhấn mạnh ngay cả các đơn vị tiếp nhận sơ cứu trẻ uống nhầm hóa chất cũng phải thận trọng, không nên rửa dạ dày. Rửa dạ dày cũng là một thao tác gây nôn, khiến bệnh nhi dễ mắc viêm phổi hít.
Với tình huống đuối nước, BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng việc ép bụng, cố làm cho nước trào ra hoàn toàn không giúp cứu sống trẻ mà chỉ đưa đến nguy cơ viêm phổi hít. Các chất dịch dạ dày cũng là hóa chất ăn mòn, khi theo nước tràn vào phổi sẽ gây tổn thương hóa học.
Điều cần làm khi trẻ đuối nước là ấn tim, thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) - còn gọi là "hồi sinh tim phổi" (CPR) - nếu nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở. Cách CPR đúng là 30 cái ấn tim, 2 cái thổi ngạt, lặp lại cho đến khi trẻ tỉnh lại.
Với trẻ dưới 1 tuổi, chỉ dùng lực của 2 ngón tay người lớn ấn mạnh vào khu vực nửa dưới xương ức để ép tim. Trẻ từ 1-8 tuổi thì dùng lực của một bàn tay (ấn bằng gót bàn tay), trên 8 tuổi thì làm bằng 2 tay chồng lên nhau như người lớn.
Nếu cháu bé còn tỉnh táo, tuyệt đối không tìm cách làm cho nôn nước trong bụng ra. Khi đó, chỉ cần đưa bé đến BV ngay để được kiểm tra.
Sặc sữa ra mũi: Nên đi kiểm tra
Với trẻ nhỏ hay bị ọc sữa, theo BS Nguyễn Minh Tiến, nếu ọc bình thường ra miệng thì không sao nhưng ọc ra mũi, trẻ sặc sụa nặng, tím tái..., sau đó dù có trở lại bình thường vẫn phải đưa vào viện kiểm tra coi có bị viêm phổi hít hay không, vì nhiều khi vài giờ sau, triệu chứng mới xuất hiện.
Cách xử lý đúng với trẻ ọc sữa là đặt bé nằm nghiêng, dùng khăn thấm liên tục để hút bớt sữa bị ọc ra. Nếu bé sặc nặng, không thở được, tím tái thì phải thực hiện vỗ lưng, ấn ngực. Theo đó, đặt trẻ sấp trên cánh tay trái, dùng gót bàn tay vỗ 4 cái, lật ngửa trẻ sang tay kia, dùng 2 ngón tay ấn mạnh nửa dưới xương ức 5 cái, lặp lại cho tới khi trẻ thở được, khóc được.
Bình luận (0)