Ảnh minh họa: Shevet.org.
Chị Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) bây giờ kể lại chuyện của con vẫn ngậm ngùi. Chị cho biết, khi thấy con đau và sưng bìu, chị cứ nghĩ con bị hăm do đeo bỉm nhiều, nên đã mua thuốc mỡ bôi cho cháu. Đến khi thấy con ngày càng đau, phần bìu càng sưng to và cứng hơn, chị mới lo lắng và đưa cháu đến gặp một phòng mạch tư. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị xoắn tinh hoàn và cho chuyển ngay đến bệnh viện, nhưng vẫn muộn. Nghe các bác sĩ thông báo buộc phải cắt một bên tinh hoàn cho cháu, chị thấy hai đầu gối mình khuỵu xuống.
"Giá mình đừng chủ quan và đưa con đi khám sớm hơn thì mọi sự đã không nên nỗi. Giờ tương lai của con sẽ sao đây?", chị Hòa sụt sùi.
Cũng bắt đầu bằng cảm giác đau ở vùng bẹn, cháu Biên,12 tuổi ở Bắc Ninh vì xấu hổ đã không nói với bố mẹ, để đến ngày hôm sau, khi cơn đau dồn dập, không chịu được nữa em mới dám thổ lộ thì cũng đã muộn. Khi được bố mẹ đưa vào viện, em cũng được bác sĩ xác định là xoắn tinh hoàn, phải mổ gấp. Nhưng khi mổ ra, một bên tinh hoàn của em cũng đã chết, đành phải cắt đi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Thủy, khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết, xoắn tinh hoàn là một bệnh cấp cứu, nếu đi khám muộn (sau 6 giờ đau) thì khả năng tinh hoàn bị hoại tử, phải cắt bỏ rất cao.
Theo bác sĩ giải thích, trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ở bụng. Sau đó, trong suốt quá trình phát triển của các bé trai, tinh hoàn di chuyển vào trong bìu, treo lơ lửng trong đó bằng cuống bìu và được nuôi dưỡng bằng các mạch máu. Hiện tượng xoắn là khi tinh hoàn tự xoay quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn. Nếu để lâu, tinh hoàn không có máu nuôi dưỡng sẽ bị hoại tử.
Theo bác sĩ Thủy, đây không phải là một bệnh hiếm gặp. Triệu chứng dễ thấy và đầu tiên của bệnh này là trẻ đau đột ngột vùng bìu, bẹn. Trẻ lớn có thể nói với bố mẹ, trẻ nhỏ sẽ quấy khóc và không cho người lớn chạm vào vùng đó. Sau đó, bìu có thể căng mọng, sưng to, thậm chí hơi đỏ. Điều nguy hiểm là các triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn... và ít phụ huynh có hiểu biết về bệnh nên không ít người đưa con đi khám, chữa muộn.
Còn trong giới y khoa, các bác sĩ vẫn truyền nhau một nguyên tắc bất di bất dịch là phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn ngay khi trẻ có triệu chứng đau vùng bìu và thà mổ nhầm xoắn tinh hoàn còn hơn để sót bệnh dẫn đến bệnh nhân bị chữa trị muộn dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Thủy cho biết, hiện nay, ngoài khám lâm sàng, các kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp đã có thể chẩn đoán chính xác được bệnh này.
Theo bác sĩ, khi phát hiện sớm, việc xử lý xoắn tinh hoàn rất đơn giản. Bác sĩ có thể dễ dàng tháo xoắn, cố định tinh hoàn vào bìu. Còn khi đã bị xoắn thời gian dài (thường sau 6 tiếng) thì tinh hoàn không nhận được máu nuôi sẽ chết và buộc phải cắt đi. Về mặt lý thuyết, một người có một tinh hoàn vẫn có thể có đời sống tinh dục và sinh sản bình thường, nhưng thực tế, rõ ràng mất một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đáng kể các chức năng này. Ngoài ra, điều này còn tác động nhiều đến tâm lý của trẻ khi trưởng thành.
Hiện nay, trên thế giới lẫn Việt Nam đều chưa có khả năng tái tạo tinh hoàn, chỉ có thể lắp tinh hoàn giả - có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ chứ không thực hiện được các chức năng của tinh hoàn thật.
Theo bác sĩ Thủy, bệnh này có thể xảy đến với bất kỳ trẻ nào, ở mọi lứa tuổi, nhất là những trường hợp trục trặc ở vùng bìu bẹn như tinh hoàn ít cố định vào bìu, tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn lò xo... Bệnh cũng hay gặp hơn ở các bé nam ở tuổi dậy thì, khi chuyển đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột và tinh hoàn bắt đầu phát triển mạnh.
Bởi đây là một bệnh cấp cứu, có thể để lại hậu quả đáng tiếc, nên bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh ngay khi nghe con kêu đau hay tỏ ra đau vùng bẹn bìu thì lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bình luận (0)