Chiều hôm trước khi nhập viện, bé trai 9 tuổi vẫn chạy chơi bình thường nhưng đột ngột bị ói, người lừ đừ, ngủ nhiều, không nói...
"Trẻ hóa" đột quỵ
Được người nhà chở đến Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP HCM), qua 3 ngày theo dõi điều trị, sang ngày thứ tư, kết quả chụp MRI cho thấy bé trai bị nhồi máu não, tắc động mạch thân nền, bệnh nhi đã được lấy huyết khối tái thông.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyễn Khánh, Phó Khoa Nội thần kinh BV quận Thủ Đức, đây là một ca bệnh khá phức tạp nhưng đã được chẩn đoán đúng và có phương án điều trị hợp lý nên bé trai đã được cứu sống.
Mới đây, BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) cũng cứu kịp bé gái N.H.K (3 tuổi) ở An Giang chuyển lên. Đang chơi, bé K. đột ngột than đau đầu, nôn ói và yếu người, khi người nhà đưa bé đến khám tại địa phương, bé đã bắt đầu lơ mơ. BV địa phương nghi bị viêm màng não.
Sau 2 ngày, bệnh nhi rơi vào tình trạng liệt nửa người, bé K. được tức tốc chuyển lên BV Nhi Đồng Thành phố. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đã phát hiện bé gái bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối.
Bé được tiến hành lấy huyết khối qua đường động mạch, sau 2 giờ thực hiện, động mạch bị tắc của bé đã được tái thông. Bé K. tỉnh táo trở lại, hồi phục sức cơ, đi đứng bình thường, tự ăn uống được.
Trước đó, một bé trai 5 tuổi ở Long An vào BV Nhi Đồng Thành phố trong tình trạng co giật đột ngột, tay chân gồng, méo miệng… Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có tổn thương thần kinh định vị, kết quả MRI cho thấy bệnh nhi bị nhồi máu não vùng đỉnh trái. Bé trai may mắn được cấp cứu kịp thời, không bị di chứng vận động, ngôn ngữ.
BS Nguyễn Duy Khải, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Nhi Đồng Thành phố, cho biết đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi. Người lớn tuổi tỉ lệ mắc cao nhưng ngày nay sự gia tăng bệnh này ở người trẻ là đáng báo động. BV cũng đã từng điều trị cho những trường hợp đột quỵ ở trẻ chỉ vài tuổi. Đột quỵ ở trẻ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp nhưng khi đã bị đột quỵ ở độ tuổi này thì rất nguy hiểm.
Một trường hợp can thiệp đột quỵ trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM)
1/3 số trẻ đột quỵ không rõ nguyên nhân
Theo các chuyên gia thần kinh, đột quỵ não là tình trạng tổn thương, mất cấp tính chức năng của não (chức năng vận động, chức năng cảm giác, chức năng các giác quan, chức năng thần kinh thực vật, chức năng tâm thần). Đột quỵ có 2 dạng là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não.
Ở người lớn, đột quỵ thường liên quan đến lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, béo phì hay các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường... Ở trẻ em, bệnh lý này ít liên quan đến lối sống mà thường do dị dạng mạch máu não (khi mạch máu bị dị dạng vỡ ra gây đột quỵ), do bệnh lý tim bẩm sinh, hay có khối u trong não…
Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em khác với người lớn. Các nguyên nhân phổ biến thường là nhiễm trùng, chấn thương, dị tật mạch máu não bẩm sinh, bất thường chuyển hóa và có một số nguyên nhân không rõ ràng. Khoảng 1/3 số trẻ em bị đột quỵ không tìm thấy nguyên nhân.
BS Trần Quốc Tuấn, giảng viên Bộ môn Ngoại thần kinh Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết một số yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần tăng tỉ lệ đột quỵ trẻ em gồm bệnh Lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, tình trạng tăng đông máu, loạn sản sợi cơ của động mạch, u mạch dạng hang trong não...
Theo BS Nguyễn Duy Khải, dấu hiệu đột quỵ ở trẻ nhỏ rất khó nhận biết. Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay... thì ở trẻ em bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị. Hiện vẫn chưa có được những "tiêu chí" để nhận biết đột quỵ ở trẻ em. Tốt nhất khi thấy dấu hiệu bất thường của con em mình, các bậc phụ huynh nên đưa ngay đến BV để được cứu chữa kịp thời.
"Điểm danh" những nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Theo các chuyên gia, hiện nay, những người trẻ thường cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Suy nghĩ này là sai lầm. Nguy cơ tiềm ẩn đột quỵ là rất cao với những bạn trẻ có thói quen sinh hoạt kiểu phá sức khỏe như ngủ ít (thường xuyên thức thâu đêm, đêm này qua đêm khác); ít vận động (suốt ngày gắn chặt với điện thoại, với máy tính xem phim, chơi game); lười luyện tập thể dục, thể thao; lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu, bia); chế độ ăn ít rau xanh, nhiều chất béo (thường ăn các món thức ăn nhanh)...
Bình luận (0)