Một khảo sát của hai bác sĩ Vũ Hồng Thái và Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, về tình hình dị ứng mỹ phẩm trong năm 2001-2002 cho thấy những quảng cáo trên báo, đài ảnh hưởng lớn đến sự chọn lựa mỹ phẩm. Bằng chứng là gần 14% người có vấn đề khi sử dụng mỹ phẩm, dầu gội cho biết sự lựa chọn của họ xuất phát từ quảng cáo.
Tiền mất, tật mang
Các loại quảng cáo đủ màu sắc vẫn thường xuyên được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong nhiều trường hợp, dầu gội thật sự có tác dụng; nhưng cũng không ít trường hợp, người tiêu dùng lại lãnh đủ.
Chị Trương Thúy Mẫn, 40 tuổi, ngụ tại quận 1 - TPHCM, cho biết do tóc bị rụng nhiều, nên cứ hãng mỹ phẩm nào tung ra dầu gội quảng cáo có công dụng trị rụng tóc là chị tìm mua ngay. Kết quả là sau nhiều lần đổi dầu gội, tóc chị... gần trụi hết phần trán! Chị Huỳnh Mai, 29 tuổi, ngụ tại quận 3, thì bị gàu nhiều năm nay. Vì thế thấy quảng cáo dầu gội nào trị gàu hiệu quả là chị bỏ tiền mua ngay. Sau gần 20 lần “thử nghiệm” như thế, đầu vẫn không bớt gàu, chị đành đến Bệnh viện Da Liễu điều trị. Chị Thanh Uyên ở quận Bình Thạnh thì khác, vì muốn có mái tóc óng ả, đen mượt chị đã sử dụng dầu gội của một hãng nổi tiếng. Sau 2 tháng sử dụng, đến nay tóc chị chẳng những không thấy đen mượt thêm chút nào mà còn bị khô, gãy và chẻ đôi.
Không có loại dầu gội nào hiệu quả cho mọi loại tóc
Theo các chuyên gia da liễu, cũng như da, tóc người gồm 3 loại: tóc khô, tóc nhờn và tóc bình thường. Vì thế, dầu gội phải phù hợp với tính chất từng loại tóc, và không có loại dầu nào hiệu quả cho tất cả mọi loại tóc. Sử dụng không đúng dầu gội, tóc sẽ gặp phải nhiều vấn đề: nhẹ thì tóc khô, dễ gãy, tăng tiết bã nhờn; nặng thì viêm da đầu do kích ứng, xuất hiện gàu, rụng tóc... Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, giảng viên bộ môn da liễu Đại học Y Dược TPHCM, người bình thường sử dụng dầu gội có thể bị dị ứng dưới nhiều dạng khác nhau: Do dầu gội có nồng độ quá cao hoặc dị ứng với một thành phần nào đó trong sản phẩm, thông thường nhất là các chất tạo mùi thơm. Tại Mỹ, một khảo sát trong năm 2001 cho thấy có đến 30% trường hợp viêm da dị ứng do tiếp xúc mỹ phẩm xuất phát từ mùi thơm. Nếu có vấn đề do sử dụng dầu gội, cách tốt nhất là tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu chữa trị. Nếu dị ứng do nồng độ, bác sĩ sẽ cho dùng một loại dầu gội có nồng độ thấp; nếu dị ứng do thành phần, phải bỏ hẳn dầu gội. Trường hợp có sẵn bệnh lý da đầu, việc sử dụng loại dầu gội nào phải do bác sĩ quyết định. Phổ biến hiện nay là các loại dầu quảng cáo trị được gàu. Bác sĩ Minh cho biết những loại dầu gội này chỉ hiệu quả với những trường hợp gàu đơn giản; nếu gàu do bệnh lý, bắt buộc phải đến bác sĩ chuyên khoa.
Dầu gội “dỏm” tràn lan
Thời gian qua, quản lý thị trường TPHCM phát hiện khá nhiều vụ sản xuất dầu gội “dỏm” quy mô khá lớn. Chẳng hạn, cơ sở Minh Nguyệt trên đường Lê Cao Lãng, quận Tân Bình, “sản xuất” dầu gội đầu nhãn hiệu Oporo và Komachi đã được bảo hộ. Tại hiện trường, người ta đếm được 3.320 chai dầu gội thành phẩm mang các nhãn hiệu trên, 187 vỏ chai các loại. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy toàn bộ số hàng này đều không đạt chất lượng. Tương tự, cơ sở Phương Mai tại ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh “sản xuất” dầu gội hiệu Gardens Froctic, Windows trên bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài nhưng lại... không ghi địa chỉ sản xuất. Ngoài ra, cơ sở này còn “sản xuất” nước hoa nhãn hiệu Jolie, không ghi tên hàng hóa bằng tiếng Việt, nhưng lại ghi sai địa chỉ sản xuất. Tại cơ sở, cơ quan chức năng thu giữ 864 chai dầu gội thành phẩm và 13 kg nhãn hiệu các loại. Bà Trần Bích Dương, Đội phó Đội 3A chuyên chống hàng giả, Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM, cho biết những nơi sản xuất dầu gội đầu giả đều không bảo đảm vệ sinh, mọi thứ đều tạm bợ thủ công. Nguyên liệu sản xuất là màu, hóa chất, hương liệu. Dụng cụ pha chế là thau, xô dùng để khuấy. Vỏ chai là chai cũ của chính hãng được thu gom từ... vựa ve chai! Với nguyên liệu và cách pha chế như thế, những dầu gội này không gây bệnh về tóc mới là... chuyện lạ!
Bình luận (0)