BS Nguyễn Thị Băng Hải, chuyên khoa Sản – Phụ khoa, hệ thống Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare, trả lời:
Dây rốn là cầu nối giữa mẹ và thai nhi, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển ôxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ qua bé để nuôi dưỡng thai rồi mang các chất thải từ thai qua nhau trở về cơ thể mẹ. Chiều dài trung bình của dây rốn khoảng 60 cm, có thể dài hoặc ngắn hơn.
Trong bụng mẹ, thai nhi thường xuyên cử động và xoay chuyển, đôi khi gây nên tình trạng dây rốn quấn cổ hoặc quanh người, điều này thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Khi bị dây rốn quấn cổ, đa số các thai nhi vẫn phát triển bình thường cho tới lúc đủ ngày tháng, cuộc chuyển dạ diễn ra bình thường như với một em bé sơ sinh khỏe mạnh .
Tuy nhiên, khi dây rốn ngắn hoặc bị quấn nhiều vòng sẽ làm căng dây rốn, cản trở việc cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng tới thai nhi làm thai nhi chậm phát triển. Trường hợp cấp thì thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ. Trường hợp bạn mô tả nằm trong trường hợp thứ 2: Thai nhi mới bị dây rốn quấn cổ và dây rốn có tình trạng bị siết chặt do ngắn hoặc quấn nhiều vòng.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do dây rốn quấn cổ, các bà mẹ khi mang thai nên đi khám và tư vấn định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để nắm bắt những diễn biến bất lợi cho thai nhi. Các mẹ sẽ được hướng dẫn cách theo dõi cử động thai vì khi dây rốn quá căng, thai nhi thiếu ôxy cấp sẽ có phản ứng đạp mạnh dữ dội vào bụng mẹ để thể hiện sự khó chịu của mình hoặc nhẹ hơn là bé sẽ mệt và ít cử động.
Đối với bác sĩ, khi phát hiện có dây rốn quấn cổ sẽ kiểm tra lưu lượng máu từ mẹ qua thai dựa trên siêu âm. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm, bác sĩ sẽ tìm phương pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho bé.
Bình luận (0)