Thiếu nữ mắc bệnh tự kỷ nhẹ đã nhịn đi ngoài từ 6-8 tuần. Ảnh: Independent
Emily Titterington (16 tuổi) đã tử vong sau gần 2 tháng không đi vệ sinh. Việc nín nhịn này gây áp lực lớn lên khoang ngực, làm dịch chuyển các cơ quan nội tạng và gây đau tim.
Kết quả điều tra từ cảnh sát TP Turo, hạt Cornwall, Anh công bố hôm 1-7 cho thấy lẽ ra Emily đã được cứu sống nếu được chữa trị kịp thời nhưng cô một mực không chịu đến bệnh viện.
Theo người đứng đầu Văn phòng nghiên cứu bệnh học Anh – Tiến sĩ Amanda Jeffery – triệu chứng của thiếu nữ bị tự kỷ nhẹ nêu trên tương đồng với tình trạng gọi là chứng “sợ đi ngoài”, thường gặp ở trẻ em.
Emily mắc các bệnh về đường ruột từ nhỏ nhưng các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân. Bác sĩ gia đình cô bé – ông Alistair James – nói rằng mẹ của Emily, bà Geraldine, 59 tuổi, đã ra sức thuyết phục con gái mình đi khám bệnh trong thời gian trước khi chết nhưng tất cả đều vô nghĩa. Ông khai với cảnh sát rằng đã kê đơn thuốc nhuận tràng cho Emily nhưng không được chạm vào cơ thể cô bé. “Cô bé có thể thoát chết nếu được điều trị đúng thời điểm”, vị bác sĩ nói.
Trước đó, Emily ngã khuỵu tại nhà và tử vong ở bệnh viện dù các y, bác sĩ Bệnh viện Hoàng gia Cornwall cố gắng cứu chữa. Trước đêm chết, cô bé than thở với mẹ rằng mình bị đau đớn ở bả vai.
Lee Taylor – một nhân viên y tế cấp cứu cho Emily – cho biết: “Lúc đó, bụng cô bé đã phình to hết cỡ. Khi phát hiện những xương sườn dưới đã bị đẩy ra xa, tôi rất sốc”.
Sau khi Emily tử vong, người chị gái của cô là Hannah Herbert, 29 tuổi, đã nhớ lại rằng khoảng 6-8 tuần qua, thiếu nữ chưa từng vào nhà vệ sinh và chuyện này xảy ra thường xuyên. Khám nghiệm tử thi cho thấy ruột già của Emily phình to quá sức tưởng tượng, các cơ quan nội tạng bị chèn ép nghiêm trọng.
Sợ đi vệ sinh là hiện tượng phổ biến ở trẻ em và thường xảy ra khi con người gặp căng thẳng, lo lắng lúc sử dụng nhà vệ sinh. Ám ảnh có thể xuất phát từ nỗi sợ hình dạng bồn cầu, hoặc đơn giản là không thể sử dụng nhà vệ sinh ở trường học hoặc nơi công cộng. Ngoài ra, nỗi sợ hãi này còn là hậu quả của cảm giác đau đớn khi nạn nhân bị táo bón, từ đó không muốn đi vệ sinh và giữ chất thải lại bằng cách thắt cơ vòng ngoài của hậu môn.
Sau đó, não bắt đầu bỏ qua các tín hiệu cảnh báo khi người có nhu cầu đi ngoài khiến lượng chất thải tích tụ càng nhiều, càng gây đau đớn và sợ hãi đi vệ sinh. Chứng bệnh cũng có thể gặp ở người thường xuyên bị tiêu chảy.
Bình luận (0)