“Gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi”
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về nạn phong bì hóa bệnh viện làm người dân phải “ăn cơm từ thiện để dành tiền biếu bác sĩ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thực trạng xuống cấp y đức, tiêu cực trong ngành mình quản lý; cho biết đây là cuộc đấu tranh “thiện - ác” và còn lâu dài.
Từ trải nghiệm bản thân và gia đình, người đứng đầu ngành y tế dẫn ra hàng loạt lý do khách quan như y - bác sĩ phải làm việc vất vả nhưng tiền bồi dưỡng chỉ 25.000 đồng, bệnh nhân muốn khám nhanh đã “tự nguyện” biếu 50.000 đồng... Tuy nhiên, bà Tiến khẳng định hiện tượng nhận phong bì chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đừng trình bày “quá dài” và mong được nghe về giải pháp. Lúc này, bà Tiến cho biết giải pháp là nâng cao y đức, tăng lương... và đề nghị: “Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nhận phong bì thì bệnh nhân và người nhà chụp ảnh rồi gửi cho tôi” - bà Tiến đề nghị.
Chưa hài lòng, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng lót tay đã thành “chuyện thường ngày và viện phí chỉ bằng nửa lệ phí”. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận định bộ trưởng chỉ đổ lỗi do nguyên nhân khách quan mà chưa nhìn thẳng vào sự yếu kém trong đào tạo đạo đức của ngành y. Tiếp lời, Chủ tịch QH đề nghị bộ trưởng cho biết ngành y tế có cải thiện được thực trạng này không?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng y đức là vấn đề nhạy cảm và kêu gọi: “Nhân diễn đàn này, tôi mong muốn các đồng nghiệp vì lòng tự trọng hãy thay đổi. Còn bệnh nhân, người nhà cương quyết không đưa phong bì”. Trả lời về giá thuốc “siết cổ” người bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá nhầm giá thuốc Việt Nam cao hơn khu vực Đông Nam Á vì thực tế là thấp hơn.
“Không nên ăn gà nhập lậu”
Tham gia giải đáp lo lắng của ĐB về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết trước ngày 31-12, các địa phương phải hoàn thành quy hoạch về giết mổ gia súc. Làm rõ thông tin 20% gà nhập lậu có thuốc kháng sinh độc hại, Phó Thủ tướng khẳng định ngoài tác hại về kinh tế, gà lậu rất nguy hiểm tới sức khỏe người dân. Theo Phó Thủ tướng, hiện cả nước có 20 chủ hộ chuyên kinh doanh gà nhập lậu nên cần chuyển đổi ngành nghề cho họ.
“Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký đề án trong vòng 1 năm, người Hà Nội không còn phải ăn gà nhập lậu. Bà con cần gương mẫu không ăn loại gà này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Hội trường đã ồ lên nhiều tiếng cười khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi: “Người dân khi đặt tiệc cưới nên hỏi gà này là gà gì!”.
Trước giải pháp mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra, Chủ tịch QH đặt vấn đề: “Làm sao phân biệt được gà rán, gà xào, gà đã nấu cháo là an toàn hay là nhập lậu?” và yêu cầu các bộ - ngành chức năng như NN-PTNT, Công an, Công Thương phải nâng cao trách nhiệm kiểm soát đầu vào.
Đa dạng hóa giáo dục quốc phòng - an ninh Chiều 14-11, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống khủng bố và dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh. Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình nêu ý kiến Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 7 (ĐB TPHCM), nhìn nhận giáo dục quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và phát huy ưu thế chiến tranh nhân dân. Theo ông, cần xác định rõ trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh thuộc trường quân sự cấp tỉnh không phải chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên và đào tạo giáo viên hệ ngắn hạn… mà còn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên. “Theo quy định, đến năm 2015, toàn bộ sinh viên đều phải học tập trung đối với nội dung quốc phòng - an ninh. Trong khi đó, để đầu tư một trung tâm như vậy cần tới cả ngàn tỉ đồng nên phải tận dụng thêm các cơ sở khác như trường của lực lượng công an để giảm tải và hạn chế đầu tư” - ông Bình đề nghị.
B.Trân |
Bình luận (0)