Thai nhi tử vong sát giờ sinh
Đến ngày 2-10, các bác sĩ đã can thiệp bằng cách đặt túi nước để gây chuyển dạ giúp sản phụ có thể sinh thường tự nhiên. Tuy nhiên, do lo lắng, gia đình chị B. đã yêu cầu sinh mổ để bắt em bé. Còn phía các bác sĩ lại cho rằng trường hợp này không đúng chỉ định sinh mổ nên vẫn tiếp tục theo dõi để sinh thường. Thế nhưng đến 4 giờ ngày 3-10, các bác sĩ theo dõi đã không ghi nhận tim thai. Sau đó khi tiến hành siêu âm và kiểm tra thì biết thai nhi đã chết trong bụng mẹ với kết luận ban đầu là đột tử chưa rõ lý do. Sau đó, chị B. được chuyển sang phòng sinh và đã sinh một bé gái nặng 3,5 kg vào lúc 13 giờ 15 phút trong tình trạng dây nhau bị quấn cột nơ. Đến ngày 8-10, chị B.T.H.B đã xuất viện.
Không phải lỗi của bệnh viện
Chiều 10-10, bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, đã có buổi làm việc với báo chí để trả lời về vụ khiếu nại của gia đình sản phụ B.T.H.B. Qua ghi nhận từ hồ sơ bệnh án, bác sĩ Thanh cho biết sau khi đặt túi nước để gây chuyển dạ vào ngày 2-10, đến 23 giờ 30 cùng ngày các bác sĩ ghi nhận tử cung sản phụ đã mở khoảng 2 cm và kèm theo là những cơn gò tử cung, theo dõi tim thai bình thường. Đến 2 giờ ngày 3-10, chị B. vẫn chưa chuyển dạ, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tim thai vẫn với kết quả bình thường nhưng đến 4 giờ thì không thấy tim thai nữa.
Bác sĩ Phạm Việt Thanh cho rằng thai quá ngày là một trường hợp thai khó nhưng chưa đủ chỉ định để mổ lấy thai, vì qua theo dõi sức khỏe của thai phụ bình thường và có thể chịu đựng được cuộc chuyển dạ tự nhiên. Ngay cả thai nhi cũng được đánh giá là đủ sức chào đời mà không cần sinh mổ. Bác sĩ Phạm Việt Thanh cho rằng trường hợp thai nhi tử vong do dây nhau bị thắt chặt là tình huống không lường trước được và đây không phải là lỗi của BV?! Và việc dây rốn cột chặt với nhau là do thai nhi cử động làm quấn nhau trước đó rất lâu. Vậy tại sao các phương pháp chẩn đoán không giúp phát hiện tình huống này để chỉ định mổ lấy thai? Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, ở trường hợp này chẩn đoán cũng không thể phát hiện được, vì ngay cả dị tật thai nhi cũng có trường hợp được phát hiện, có trường hợp bị bỏ qua.
Chưa đủ chỉ định mổ lấy thai
Thai nhi quá ngày, ngay cả bác sĩ Phạm Việt Thanh cũng thừa nhận đây là trường hợp sinh khó và không thể lường hết được những vấn đề trong bụng mẹ nhưng các bác sĩ vẫn chỉ định sinh thường có phải là quá mạo hiểm cho thai nhi? Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Thanh cho biết trong đêm 2-10 đã có hơn 20 trường hợp được đặt túi nước để chuyển dạ tự nhiên nhưng tất cả đều an toàn, trừ trường hợp của sản phụ B. Bên cạnh đó còn có lý do các bác sĩ đã không chỉ định sinh mổ, vì ngày 1-10, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản đến các BV, trong đó có BV Từ Dũ yêu cầu chấn chỉnh quy trình phẫu thuật tại các BV. Đặc biệt, trong những năm gần đây tỉ lệ sinh mổ tăng quá cao nên ngành y tế đang giảm tỉ lệ sinh mổ.
Tỉ lệ sinh mổ ngày càng gia tăng, trong đó có không ít trường hợp yêu cầu sinh mổ do sản phụ sợ đau hoặc do chọn ngày giờ vẫn được tiến hành, trong khi một trường hợp thai quá ngày được gia đình yêu cầu sinh mổ cho an toàn lại bị từ chối. Vậy trường hợp nào mới thực sự cần được chỉ định mổ lấy thai? Nếu từ trước đến nay BV Từ Dũ đã thực hiện nghiêm ngặt chỉ định này thì có lẽ tỉ lệ mổ lấy thai đã không tăng lên 50%. Và câu trả lời cuối cùng của các bác sĩ là: “Trường hợp tử vong không phải do BV gây tai biến. Chúng tôi đã không lường trước hết tình huống này để quyết định mổ lấy thai và đây là trường hợp đáng tiếc”.
Bình luận (0)