xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dễ chết vì cúm A/H1N1

NGỌC DUNG thực hiện

“Một thanh niên 19 tuổi tử vong tại tỉnh Khánh Hòa nghi do nhiễm cúm cho thấy người dân còn chủ quan trước nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1” - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cảnh báo

Phóng viên: Cuối tháng 1-2014, một trường học ở Hà Nội đã ghi nhận chùm ca nhiễm cúm A/H1N1. Gần đây nhất, tại tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều người nhiễm chủng virus này. Phải chăng đại dịch cúm A/H1N1 đang quay trở lại?

- PGS-TS Trần Đắc Phu: Tại Việt Nam đang lưu hành các chủng cúm mùa là cúm B, cúm A/H1N1 và H3N2. Hiện các chủng cúm thường vẫn thay phiên nhau lưu hành, có giai đoạn cúm B trội hơn, có lúc cúm A lại trội hơn.

img

Tổ chức Y tế Thế giới đã coi cúm A/H1N1 là cúm mùa và các hoạt động giám sát, phòng chống như cúm mùa. Trong hơn 1 tháng đầu năm 2014, các thống kê cho thấy cúm B và H3N2 vẫn chiếm gần 80% số ca mắc, trong khi cúm H1N1 chỉ chiếm hơn 13%. Thời điểm này, sự lưu hành của chủng virus này có chiều hướng gia tăng ở miền Trung.

Nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nguy kịch Ảnh: NGỌC DUNG
Nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nguy kịch Ảnh: NGỌC DUNG

Mức độ nguy hiểm của virus cúm H1N1 hiện nay ra sao khi mà vẫn có trường hợp tử vong do virus cúm này?

- Chủng virus cúm H1N1 đang lưu hành vẫn là chủng cúm đã gây đại dịch vào năm 2009 và cũng như các chủng trên thế giới, chưa có sự biến đổi về kháng nguyên độc lực và khả năng gây bệnh. Đặc tính của các chủng cúm thường (H3N2, H1N1, cúm B) là lây qua đường hô hấp và lây trực tiếp từ người sang người rất nhanh thông qua việc tiếp xúc với người đang mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua đồ vật có chất xúc tiết của người bệnh.

Đa số các ca nhiễm cúm ở thể nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi cúm kết hợp trên cơ địa người mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, hen, các bệnh suy giảm miễn dịch) hoặc cấp tính khác hoặc các đối tượng là người già, trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ suy dinh dưỡng… sẽ làm bệnh nặng hơn, gây biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong.

Với những trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân thường mang sẵn các bệnh lý nền. Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp là thanh thiếu niên đôi khi chủ quan với sức khỏe của chính mình nên khi có bệnh thường không điều trị hoặc ở nhà tự điều trị.

Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ kết hợp chủng virus cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1, H7N9. Điều này có xảy ra?

- Các giám sát hiện nay chưa thấy biến chủng của virus cúm H5N1, H7N9 và H1N1 nhưng các cơ quan y tế đang tích cực giám sát nhằm phát hiện những thay đổi chủng và sự bùng phát của dịch để có thể đối phó kịp thời. Cho đến thời điểm này, tỉ lệ tử vong do cúm A/H1N1 cũng tương đương như các chủng cúm mùa khác và chưa thấy dấu hiệu tái tổ hợp để tạo thành một chủng virus mới có độc lực cao.

 

Dịch cúm gia cầm lan ra 10 tỉnh

Dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9

VĂN DUẨN - KỲ NAM

Chiều tối 16-2, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 10 tỉnh gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên và Lào Cai.

Lào Cai: Ngăn chặn dịch từ Trung Quốc

Ngay sau công bố dịch cúm gia cầm tại huyện Bảo Thắng vào ngày 15-2, tỉnh Lào Cai đã ban hành lệnh cấm buôn bán gia cầm tại các chợ ở huyện này. Chiều 16-2, ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết từ ngày 10 đến 15-2, các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 15 hộ chăn nuôi ở 5 thôn thuộc 3 xã của huyện Bảo Thắng, gồm thị trấn Phố Lu (thôn Phú Thịnh 1 và Phú Thịnh 2), xã Xuân Giao (thôn Vàng 1) và xã Thái Niên (thôn Quyết Tâm), làm 6.813 con gia cầm mắc bệnh, chết 206 con. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 6.607 con.

Buôn bán gia cầm ở một chợ tự phát tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.Ảnh: KỲ NAM
Buôn bán gia cầm ở một chợ tự phát tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.Ảnh: KỲ NAM

Trước đó, cúm A/H5N1 đã xảy ra tại hộ chăn nuôi Lý Thị Long, thôn Phú Thịnh 1, thị trấn Phố Lu. Chi cục Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi chẩn đoán xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Theo ông Ma Quang Trung, ngoài ứng phó với cúm A/H5N1, tỉnh này đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc.

“Hiện toàn bộ gia cầm ở vùng dịch tại huyện Bảo Thắng sẽ không được buôn bán, vận chuyển; gà bị cúm A/H5N1 đều đã bị tiêu hủy toàn bộ; tại các chợ ở huyện Bảo Thắng đã bị cấm kinh doanh, buôn bán gia cầm. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang tiến hành phun thuốc khử trùng để xử lý môi trường” - ông Trung cho hay.

Khánh Hòa: Thêm nhiều ca nghi nhiễm cúm

Chiều 16-2, bác sĩ Nguyễn Đông, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Khoa vừa tiếp nhận thêm 1 ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ thị xã Ninh Hòa. Hiện 3 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 được cách ly, điều trị, trong đó trường hợp chị Bo Bo Thị Xuất (18 tuổi, ngụ huyện Khánh Sơn) nặng nhất phải thở máy, đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Tính đến chiều 16-2, tỉnh Khánh Hòa đã có 1 người tử vong, 7 người nhiễm cúm A/H1N1 và 1 ca tử vong khác đang nghi nhiễm virus cúm này. Bác sĩ Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Hiện nay, cúm A/H1N1 và cúm gia cầm H5N1 đã lan ra nhiều địa phương như Khánh Sơn, Nha Trang, Ninh Hòa…

Bác sĩ Chứng khuyên người dân không nên quá lo lắng vì cúm A/H1N1 là cúm mùa. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; không ăn và giết mổ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc. Khi gia cầm, gia súc chết hàng loạt, nên báo với chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Đề phòng các chủng cúm A khác như H5N1, H7N9, H10N8, sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường nhân lực từ 2-3 người lên 4-5 người mỗi chuyến bay để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình dịch bệnh từ bên ngoài qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đồng thời, các cửa khẩu hàng hải khác như Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong cũng được tăng cường kiểm dịch quốc tế.

3 tỉnh tiêu hủy hơn 5.000 con gia cầm

Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Bình Quới, huyện Châu Thành và xã Quế Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, làm 600 con gia cầm chết; số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 2.503 con. Ở tỉnh Đắk Lắk, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 xã: Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột), xã Ea Uy (huyện Krông Pắk), xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), làm 865 con gia cầm mắc bệnh; số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 1.630 con. Tại xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cúm A/H5N1 làm 2.000 con gia cầm mắc bệnh, trong đó 1.100 con chết và cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 900 con.

Thành lập 15 đoàn kiểm tra chống dịch

Thủ tướng Chính phủ ngày 14-2 đã ban hành công điện hỏa tốc về phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Cao Đức Phát đã ký ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Cục Thú y quyết định thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9, đồng thời đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo