Bệnh nhân Trần Văn Quân (58 tuổi, ở Ninh Bình) đang điều trị tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) được chẩn đoán bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) từ năm 2008. Đây là lần thứ hai ông Quân nhập viện trong vòng hơn 1 tháng qua vì khó thở kéo dài, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém và luôn bị hành hạ bởi những cơn ho. Theo các bác sĩ, một trong những lý do khiến bệnh của ông liên tục tái phát và nặng hơn là do ông chưa bỏ hẳn được thói quen hút thuốc lá. Ông Quân cho biết gần 5 năm qua ông hầu như không làm được việc gì vì chỉ cần vận động lâu một chút là đã mệt và khó thở.
Hút thuốc lá đến chết
Cũng tại đây, bà Mai Thị Ngọc (hơn 60 tuổi, ở Hải Phòng) là bệnh nhân nữ duy nhất đang được điều trị COPD trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, thóp ngực, cơ thể hom hem. Bà Ngọc cho biết bà từng hút thuốc lào khi còn khá trẻ, mấy năm gần đây thấy ho nhiều, nuốt khó nên đi khám bệnh và được các bác sĩ kết luận bị u vòm họng kết hợp với bệnh COPD. Từ đó đến nay mỗi khi thay đổi thời tiết, bà Ngọc lại phải nhập viện.
TS-BS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, cho biết trong số khoảng 6.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm tại trung tâm thì có 25%-30% là bệnh nhân COPD. Các bệnh nhân COPD thường ở độ tuổi trên 50 và đến 90% trong số họ có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. “Thậm chí, ngay cả khi đã được nhắc nhở bỏ thuốc nhưng nhiều người vẫn không bỏ được thói quen này. Có lẽ, do bệnh không “chết ngay” nên họ vẫn chưa sợ” - bác sĩ Hạnh nói.
Diễn biến âm thầm
Dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân có thể tự nhận biết là ho, khạc đàm vào buổi sáng. Ở độ tuổi 40, triệu chứng khó thở và khạc đàm kinh niên, đôi lúc khò khè sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, người hút thuốc lá nhiều thường chủ quan cho rằng ho khạc là do hút thuốc lá mà không nghĩ rằng mình bị bệnh. Vào độ tuổi 50, bắt đầu xuất hiện những đợt bùng phát các triệu chứng hô hấp với những đợt ho nặng hơn, khó thở, hụt hơi. Khó thở khi vận động sẽ xuất hiện rõ vào độ tuổi 60. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ mệt khi đi vội hay đi lên dốc, lên cầu thang nhưng về sau thì ăn uống, tắm rửa, thay quần áo cũng bị khó thở.
Theo TS-BS Chu Thị Hạnh, khoảng 10% bệnh nhân COPD không hề hút thuốc mà do bụi, hóa chất nghề nghiệp, khói bếp, không khí ô nhiễm… Đáng lo ngại là nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao hơn ở người vừa có phơi nhiễm nghề nghiệp lại vừa hút thuốc.
PGS-TS Ngô Quý Châu cho biết thêm đây cũng là căn bệnh gây nhiều tốn kém cho bệnh nhân bởi chi phí điều trị cao hơn nhiều so với bệnh hen, lao, viêm phổi... Bệnh cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống. “Từ trước đến nay, COPD thường được xem là bệnh của người già. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc COPD đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người chưa đến 30 tuổi đã bị mắc bệnh do đã hút thuốc từ năm 7-8 tuổi hoặc sống trong gia đình có người hút thuốc” - PGS-TS Châu cảnh báo.
Khám miễn phí cho 1.000 người Theo PGS-TS Ngô Quý Châu, ngày 10-11 tới đây, BV Bạch Mai sẽ tổ chức khám sàng lọc và phát thuốc miễn phí cho khoảng 1.000 bệnh nhân COPD. Những người có biểu hiện ho, ho ra đờm, khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi và bản thân hút thuốc trên 10 năm hoặc tiếp xúc nhiều với khói than, củi, rơm rạ trên 30 năm, môi trường làm việc độc hại… nên đến khám và tư vấn về COPD. Đăng ký qua số điện thoại: 04.36291207 hoặc email duanbenhphoi@gmail.com. |
Bình luận (0)