Hơn 100 mẫu thuốc cam đã được gửi đến Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xét nghiệm trong năm 2015. Ngoài hàm lượng chì quá cao, nhiều mẫu thuốc cam còn chứa cả thủy ngân, thạch tín - những chất cực độc đối với sức khỏe con người.
Tưởng bổ hóa độc
Gần đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) và BV Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam. Nạn nhân gần đây nhất là cháu T.T.H, 8 tháng tuổi, ở Ninh Bình.
Trước đó, do sốt ruột vì H. biếng ăn, tăng cân kém, gia đình đã mua thuốc cam pha với nước cơm cho cháu uống trong 1 tháng. Mới đây, phát hiện H. có biểu hiện co giật, tím tái, bỏ bú và hôn mê, gia đình vội đưa cháu vào BV. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy H. bị nhiễm độc chì rất nặng. Được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì nhưng hơn 2 ngày sau, bé H. mới thoát khỏi hôn mê.
Một nạn nhân khác là bé trai N.M.N - 6 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng chậm phát triển do ngộ độc chì. Mẹ N. cho biết lúc con khoảng hơn 3 tháng tuổi, thấy bé bú ít, kém ngủ nên gia đình cho uống thuốc cam của một thầy lang ở quê đến khi gần 1 tuổi.
Năm nay, N. vào học lớp 1, tiếp thu rất kém, quá nhút nhát, học trước quên sau, nói năng khó nên gia đình đưa đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu của N. là 26,19 µg/dL, trong khi ngưỡng chấp nhận là không quá 5 µg/dL.
TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết trong thuốc chữa bệnh tuyệt đối không được phép có chì. Các bài thuốc cam trong y học không hề có chì, tác dụng rất tốt cho trẻ. Thế nhưng, hiện nay, trên thị trường có nhiều người chế thuốc cam dởm có tỉ lệ chì rất cao.
“Trẻ dùng thuốc này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn cả về thể lực lẫn tinh thần. Bị nhẹ thì trẻ giảm chỉ số thông minh (IQ), nặng thì rối loạn phát triển, ý thức trì độn, không có khả năng học tập và tự phục vụ bản thân” - TS Duệ nhấn mạnh.
Chứa cả thạch tín, thủy ngân
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Giám đốc Viện Hóa học, gần đây, số mẫu thuốc cam, bệnh phẩm và mẫu máu của các bệnh nhi bị nghi nhiễm độc chì gửi đến viện xét nghiệm tiếp tục tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Viện Hóa học đã xét nghiệm hơn 100 mẫu thuốc cam có chứa 10%- 75% hàm lượng chì từ các BV chuyển đến.
Các mẫu thuốc cam và mẫu máu trẻ bị ngộ độc chì được gửi đến xét nghiệm từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc: Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, các huyện ngoại thành Hà Nội... Không chỉ trẻ em, tình trạng nhiễm độc chì cũng được ghi nhận ở nhiều người lớn, có khi cao gấp 14 lần mức cho phép.
“Trong số những mẫu thuốc gửi đến xét nghiệm, ngoài các mẫu có màu cam đặc trưng còn có loại màu đen, nâu. Đặc biệt, ngoài hàm lượng chì quá cao, nhiều mẫu còn chứa cả thủy ngân, thạch tín - những chất cực độc với sức khỏe con người” - TS Vũ Đức Lợi lo ngại.
Năm 2012 được coi là đỉnh “dịch” thuốc cam khi có đến 3.000 trẻ nhiễm độc chì, trong đó 7 cháu tử vong. Trong quá trình điều trị, các BV đã tập hợp được danh sách hơn 40 cơ sở bán thuốc cam có chứa chì ra thị trường.
Cảnh báo với người dân, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết các mẫu thuốc cam nhiễm chì thường ở dạng bột hay viên, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Thuốc này chỉ được đóng gói tạm bợ trong những túi ni-lông nhỏ bằng bàn tay. Những gia đình đã cho trẻ sử dụng thuốc cam trôi nổi nên đưa các cháu đi xét nghiệm để sớm phát hiện ngộ độc chì” - TS Sơn khuyến cáo.
Chẩn đoán, điều trị rất khó khăn
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, việc chẩn đoán ngộ độc chì do dùng thuốc cam rất khó khăn. Nhiều trẻ đã phải qua các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học... mới xác định được ngộ độc chì. Ngay cả khi tìm ra bệnh thì việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, có khi cả năm trời, kéo theo đó là những tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục.
Trong khi đó, triệu chứng ngộ độc chì hoàn toàn không đặc hiệu, nhiều trẻ không có biểu hiện lâm sàng nên dễ bị bỏ qua.
Bình luận (0)