Vợ chồng chị Dương Thị Q., 32 tuổi ở Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) với lý do hai vợ chồng đã "thả" 4 năm nay nhưng vẫn không thể có thêm con. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết cho cả vợ và chồng để xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô sinh thứ phát. Kết quả, người vợ có tình trạng dự trữ buồng trứng kém, còn người chồng có chất lượng tinh dịch đồ rất kém, kèm theo viêm nhiễm đường sinh dục - tiết niệu. Đây là trường hợp vô sinh mà nguyên nhân do cả vợ lẫn chồng, vì vậy cả hai vợ chồng đã được tư vấn và kê đơn điều trị, hướng dẫn thay đổi thói quen sống lành mạnh... để tăng khả năng có thai. May mắn, sau hơn 2 tháng điều trị cũng như tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân đã có thai tự nhiên. Hiện tại thai nhi được gần 2 tháng, phát triển bình thường.
Gia tăng tình trạng vô sinh, hiếm muộn
BS Hà Thị Thanh Thơm, Trưởng Khoa Phụ - Sản Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho biết hiện nay, tình trạng vô sinh - hiếm muộn thường gặp ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và tỉ lệ vô sinh có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân gây vô sinh có thể do người chồng hoặc người vợ; hay do sự kết hợp của nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc mang thai. May mắn thay, hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả để khắc phục các nguyên nhân gây vô sinh và cải thiện đáng kể cơ hội có thai. "Tình trạng hiếm muộn, là một thuật ngữ mô tả tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng, mặc dù đã quan hệ tình dục thường xuyên sau 12 tháng mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Phụ nữ vô sinh có thể không có kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh không đều. Trong khi đó, nam giới có thể có các vấn đề nội tiết tố, chẳng hạn như thay đổi trong tốc độ tăng trưởng tóc, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục hoặc gặp các vấn đề về xuất tinh. Họ cũng có thể bị tinh hoàn nhỏ hoặc sưng ở bìu" - BS Thơm nói.
Theo BS Thơm, ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc kết hợp phẫu thuật trong điều trị hiếm muộn thì có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như: bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung (IUI), phương pháp tiêm thẳng tinh trùng vào trứng (ICSI), phương pháp thụ thai trong ống nghiệm (IVF) và sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng.
Đánh giá chất lượng tinh trùng dưới hệ thống máy hiện đại để chẩn đoán tình trạng hiếm muộn
Khi nào nên thụ tinh ống nghiệm?
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết hiện nay hầu hết người dân vẫn chưa hiểu đúng về các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Trên thực tế, muốn điều trị vô sinh cho bệnh nhân có hiệu quả, điều đầu tiên phải tìm nguyên nhân gây vô sinh ở mỗi bệnh nhân. Vô sinh do rất nhiều nguyên nhân, vô sinh do cả vợ, cả chồng. Hiện nay, vô sinh do nữ chiếm khoảng hơn 40%, vô sinh do nam giới chiếm khoảng hơn 40%, còn 20% vô sinh do cả nam và nữ. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà chúng ta điều trị cho người bệnh.
GS Nguyễn Viết Tiến cho biết để điều trị vô sinh hiếm muộn có nhiều biện pháp. Rất nhiều bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm không thành công nhưng sau đó mổ nội soi thì bệnh nhân lại có thai tự nhiên. "Nhiều cặp vợ chồng do quá nóng lòng có con, sau 6 tháng hay 1 năm chưa thấy có con đã vội đi làm thụ tinh trong ống nghiệm mà không cần tìm hiểu xem nguyên nhân vô sinh chính do đâu. Đó là điều sai lầm. Nếu vô sinh do viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, bất thường cơ quan sinh sản (có vách ngăn tử cung)... thì phải phẫu thuật để khắc phục nguyên nhân này thì bệnh nhân sẽ có con tự nhiên" - GS Tiến nhận định.
Theo GS Tiến, với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay phẫu thuật đều có những tai biến rủi ro, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu xem nhẹ thụ tinh trong ống nghiệm, không làm thụ tinh trong ống nghiệm trong những trường hợp cần thiết thì đó cũng là sai lầm. "Ví dụ trong những trường hợp tắc 2 vòi trứng hoàn toàn hoặc tinh trùng quá yếu thì cần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Như vậy, trường hợp nào cần làm thụ tinh trong ống nghiệm thì mới nên làm" - GS Tiến khuyến cáo.
Bình luận (0)