Trước phản ánh về tình trạng thiếu máu lại diễn ra tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 31-10, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tiếp tục có công văn gửi UBND TP Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các trung tâm truyền máu, yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng này.
Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phản ánh từ tháng 6 do các đơn vị khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm... Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp máu cho khu vực này.
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cung cấp máu nhiều đợt cho Cần Thơ
Cụ thể, từ tháng 6 đến nay, gần 65.000 đơn vị máu được Bộ Y tế điều phối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến ngày 30-10, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ vẫn chưa có đủ để tiếp nhận và cung cấp máu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đánh giá đây là "tình hình cấp bách", yêu cầu Trung tâm máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các trung tâm huyết học - truyền máu xem xét nguồn máu, cân đối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ trong 2 - 4 tuần tới nếu bệnh viện này vẫn chưa tự bảo đảm đầy đủ nguồn cung.
Trường hợp vẫn chưa mua sắm được, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu… phục vụ công tác cung ứng máu. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành; hỗ trợ Sở Y tế, bệnh viện mua sắm hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện nếu Sở Y tế không đáp ứng được công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu trong tháng 11.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và uy tín chung của ngành.
Nếu tình trạng thiếu máu cứ kéo dài tại địa phương, Bộ Y tế nhấn mạnh cần phải xem xét hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm (nếu có) trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm... làm ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
Bình luận (0)