Trên thế giới, các ca chấn thương nội tạng, cụ thể là gan, chiếm 15%-20% trong số các ca chấn thương bụng và trong các ca tử vong do chấn thương bụng thì 50% là do vỡ gan.
Khó cứu sống nếu chậm trễ
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) đã phẫu thuật cứu sống một trường hợp đa chấn thương nặng do tai nạn lao động. Anh N.T.Đ, SN 1982, bị té từ giàn giáo cao khoảng 7 m xuống đất. Khi được đưa vào bệnh viện, nạn nhân ngất lịm, vật vã, lơ mơ, khó thở, da tái nhợt, tay chân lạnh, đổ mồ hôi, mạch và huyết áp không đo được. Qua sơ cứu chống sốc và kiểm tra siêu âm, chụp CT, các bác sĩ thấy bệnh nhân bị dập vỡ gan nặng, vỡ thận, vỡ cơ hoành, dập vỡ phế nang vùng đáy phổi, gãy 5 xương sườn số 5, 6, 7, 11, 12, nứt thân đốt sống L1 và chảy máu đầy ổ bụng. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ cắt bỏ phần gan phải, thận phải đã bị vỡ nát, đồng thời do lượng máu mất khoảng 4.500 ml nên bệnh nhân đã được truyền 10 đơn vị máu. Hiện bệnh nhân đã tỉnh và tiếp xúc tốt.
Theo ThS-BS Trần Văn Minh Tuấn, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các ca tai nạn lao động nếu xác định bị vỡ nội tạng cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ khó có thể cứu sống bệnh nhân. Điều này đòi hỏi bệnh viện phải có một ê-kíp bác sĩ chuyên môn nhuần nhuyễn để thực hiện.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết các trường hợp vỡ tạng đặc (gan, thận, lá lách) do chấn thương đều rất nguy hiểm. Đặc biệt gan là tạng đặc lớn nhất, dễ vỡ khi bị chấn thương bụng, nếu không kịp phát hiện và cứu chữa sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu trong ổ bụng nặng và tử vong do mất máu.
Vỡ gan là nguy hiểm nhất
Theo số liệu thống kê, nguyên nhân dẫn đến vỡ nội tạng cao nhất là do tai nạn giao thông (chiếm 70%), kế đến là tai nạn lao động như té từ các giàn giáo, sập hầm lò, tai nạn trong sinh hoạt, đánh nhau, trong lúc chơi thể thao,… Tùy theo cơ chế chấn thương và lực tác động mà mức độ tổn thương tạng khác nhau.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Hải khuyến cáo: “Trong các ca vỡ tạng đặc thì vỡ gan nặng là nguy hiểm nhất, khó xử trí nhất. Khi tiếp nhận một ca bị tai nạn, nếu bệnh nhân có mạch nhanh, huyết áp tụt (sốc) và có các dấu hiệu trên bụng gợi ý đến vỡ gan như trầy xước vùng gan, đau bụng,… cần tiến hành siêu âm bụng tại phòng cấp cứu và thực hiện nhanh các xét nghiệm cần thiết. Nếu siêu âm cho thấy có máu nhiều trong ổ bụng thì phải phẫu thuật ngay bởi những trường hợp này nếu chậm trễ sẽ dẫn đến tử vong”.
Riêng những trường hợp qua hình ảnh sơ khởi phát hiện vỡ gan nhưng ở cấp độ nhẹ, mạch và huyết áp còn trong giới hạn bình thường, không có tổn thương nội tạng khác đi kèm thì có thể theo dõi diễn tiến và điều trị theo hướng bảo tồn. Tuy nhiên, nếu diễn tiến lượng dịch ổ bụng bệnh nhân tăng lên mức độ nhiều trên siêu âm, dung tích hồng cầu giảm, huyết áp tụt, sốc,… thì phải phẫu thuật để kiểm tra và điều trị bởi những dấu hiệu trên cho thấy máu còn tiếp tục chảy. Hiện nay, tại các bệnh viện có đủ trang bị ở tuyến sau, chụp CT bụng thường được áp dụng để đánh giá chính xác mức độ tổn thương gan và tạng đặc nói chung để hướng dẫn điều trị.
Không chỉ tai nạn giao thông, tai nạn lao động mà chính những bất cẩn trong sinh hoạt hằng ngày của người dân như leo trèo để sửa điện, sửa mái nhà, té cầu thang cũng rất dễ gây ra tình trạng vỡ nội tạng. BS Nguyễn Văn Hải cho biết đã có trường hợp té ngã cầu thang chỉ từ độ cao 2 m đã gây vỡ gan mức độ nặng. Do đó, sau những tai nạn có đụng chạm vào bụng hay phần dưới ngực dù nhẹ mà thấy có các triệu chứng như: đau bụng từ chỗ bị thương lan ra khắp bụng, hoa mắt, chóng mặt hay xỉu (nhất là khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hay đứng) thì phải nghĩ ngay đến việc bị vỡ nội tạng đặc. Cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và có hướng cứu chữa tốt nhất.
Bình luận (0)