Vừa học vừa chơi một cách hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả thể lực lẫn trí tuệ. Ảnh: Hồng Thúy
Sở thích thành… nỗi ám ảnh
“Dạo này cháu cư xử rất lạ, đến giờ học là phá phách, chạy lung tung, nói cách nào cũng không nghe, hỏi gì cũng không trả lời. Trong giờ học, cháu kém tập trung, học cái này quên cái kia, lại sinh tật nói lắp, câu cú lộn xộn… Chúng tôi không hiểu nổi vì cháu đã tỏ ra giỏi ngôn ngữ từ khi còn nhỏ, 3 tuổi rưỡi đã đọc truyện được và còn bắt đầu học Anh văn…” - chị Hồng Minh, mẹ của bé T., than thở.
Qua thăm khám, các bác sĩ (BS) xác định T. bị chứng tăng động, giảm chú ý kèm theo ám ảnh sợ và rối loạn giấc ngủ nhẹ. Cậu bé nói rằng học rất mệt, cha mẹ còn bảo vào lớp 1 thầy cô sẽ bắt học nhiều hơn nên rất sợ phải đi học. Việc học cả hai thứ tiếng cũng làm cho T. “loạn” vì chịu áp lực nặng nề.
Bé N.M.A (5 tuổi) từ nhỏ đã thích các đồ chơi tạo nên tiếng nhạc và hay vẽ lên giấy, lên tường. Nghĩ là con có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật, cha mẹ dốc sức cho bé A. đi học đàn, vẽ từ lúc hơn 3 tuổi. Ban đầu, A. rất thích thú với phím đàn piano cũng như vui vẻ khi được đặt vào tay hộp bút sáp đủ màu. Nhưng dần dần, bé cảm thấy mệt mỏi khi phải gồng đôi tay bé nhỏ theo những phím đàn quá nặng và những bài nhạc cổ điển. Lúc học vẽ, bé cũng không tỏ ra sáng tạo nữa mà phải đợi cô giáo bảo tô màu gì thì mới cầm cọ lên vì sợ điểm kém. Sau đó, bé biểu hiện khá rõ những bất thường: nấp dưới giường, trong tủ áo khiến cả nhà hốt hoảng đi tìm lúc cô giáo dạy nhạc đến; hay cáu gắt, đập phá đồ chơi, lầm lì ít nói, khác hẳn với vẻ ngoan ngoãn và hay ríu rít hỏi chuyện cha mẹ như ngày nào.
Thạc sĩ - BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, cho biết từng gặp nhiều trẻ bị các triệu chứng bất ổn tâm lý như trên, thậm chí rối loạn tâm thần vì trí óc non nớt không chịu nổi lịch học chữ, năng khiếu, ngoại khóa… dày đặc và những đòi hỏi quá cao so với lứa tuổi. Hay gặp nhất ở những đối tượng này là rối loạn lo âu, ám ảnh sợ; có các biểu hiện như sợ trường học, xuất hiện các hành vi chống đối như mè nheo, đập phá, không chịu ăn, vô cớ quấy khóc… Ngoài ra, một số trẻ còn rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, gặp cơn hoảng hốt.
Đừng ham “thần đồng”
Theo BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi trẻ có năng khiếu riêng, cha mẹ nên cho con học theo năng khiếu chứ không phải theo sở thích của mình. Việc trẻ bị ép làm “thần đồng” ở một lĩnh vực khi tuổi còn quá nhỏ có thể làm ức chế sự phát triển của những lĩnh vực khác như kỹ năng xã hội, cảm xúc, vận động…
“Cần dạy trẻ học theo mốc phát triển. Ví dụ, mới 3 tuổi mà bắt học Anh văn là một điều hết sức không nên vì lúc đó trẻ còn chưa rành tiếng Việt. Điều này dễ gây cho trẻ những bất ổn về mặt ngôn ngữ. Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi cần được vừa học vừa chơi chứ không phải học trong môi trường nhiều khuôn khổ như các cháu đến tuổi đi học” - BS Thanh khuyến cáo.
Dễ gặp khó khăn khi vào lớp 1 Trẻ gặp phải bất ổn tâm lý vì bị ép học trong tuổi mẫu giáo sẽ dễ gặp khó khăn khi đến tuổi đi học như kém tập trung, tăng động, có hành vi chống đối. Trẻ cũng dễ nổi nóng, cáu gắt vì không làm chủ được cảm xúc; sự phát triển các mặt vận động, giao tiếp, nhận thức… cũng bị ảnh hưởng xấu. Thạc sĩ - BS Nguyễn Ngọc Quang phân tích: “Giai đoạn 5 tuổi trở xuống là tuổi vừa học vừa chơi, nếu trẻ bị ép học quá nhiều thứ hay học theo chương trình dành cho các cháu lớn hơn thì sẽ bị quá tải. Ảnh hưởng của việc quá tải này ngấm dần vào sự phát triển trí não nếu không được điều trị kịp thời. Biểu hiện này sẽ rất rõ trong giai đoạn vào học lớp 1: Trẻ nhút nhát, tiếp thu bài chậm, thiếu hòa đồng”. |
Bình luận (0)