Chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền ăn
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân Lò Thị Hoa (26 tuổi, người dân tộc Thái, ở Bản Trai Tôn, xã Tả Lại, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) được BV Đa khoa huyện Mộc Châu “phát” gần 550.000 đồng mang về. “Đi BV, được chữa khỏi bệnh lại được tiền mang về. Người xã tôi bị bệnh phải nặng lắm mới đến viện vì không có tiền. Lần này tôi đi viện mới biết, mình được chữa bệnh, còn lại được phát tiền mang về. Thế này, từ sau có bệnh không tự chữa ở nhà nữa, cứ đến viện chữa thôi” - chị Hoa không giấu nổi vui mừng khi được nhận được từ chính sách hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Trong số tiền chị Hoa được nhận lại có 112.000 đồng là số tiền bệnh nhân được hỗ trợ 70% của 5% tổng số tiền mà bệnh nhân phải cùng chi trả BHYT; 245.000 đồng là tiền ăn và tiền đi lại của dự án cải thiện y tế tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc của Ngân hàng Thế giới và 175.000 đồng là tiền hỗ trợ đi lại của Quỹ hỗ trợ người nghèo.
Với sản phụ Vi Thị Hà (23 tuổi, người dân tộc Thái, một trong những trường hợp thuộc hộ nghèo được chăm sóc thai sản tại BV Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu) số tiền hơn 400.000 đồng được nhận từ BV sau khi “mẹ tròn con vuông” xuất viện là một khoản tiền không nhỏ.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu, những trường hợp chữa bệnh xong được tiền mang về không hiếm tại những BV huyện thuộc các tỉnh miền núi. Đây là đều những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo.
Bác sĩ Sơn cho biết có những gia đình con ốm nặng mới đưa con đến viện trong tình trạng túi không có lấy cắc bạc. Với những trường hợp thuộc diện hỗ trợ bệnh nhân nghèo, BV thậm chí cấp tiền hàng ngày để người nhà bệnh nhân lấy tiền sinh hoạt phí, ăn uống tại BV.
“Dù nhiều người bệnh biết quyền lợi của thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, được chữa bệnh miễn phí, chi trả một phần rất nhỏ, nhưng những sinh hoạt phí tại bệnh viện là rào cản khiến người nghèo không dám đến viện khám. Nay số tiền đó sẽ giúp họ chi trả phần nào sinh hoạt phí, ăn uống tại bệnh viện” - ông Hoàng Tiến Bình - Phó Giám đốc BV Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, Sơn La) nói.
Nhiều rào cản
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), tháng 2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14-2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo. Tuy nhiên, có những địa phương mới chỉ triển khai quỹ này được vài tháng, thậm chí vẫn còn nhiều nơi chưa có kinh phí để khôi phục quỹ.
Theo Quyết định 14, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đi về cho bệnh nhân (0,2 lít xăng/km) và chi phí cầu phà (nếu có); cung cấp bữa ăn miễn phí (tại bệnh viện) hoặc hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế. Ngoài ra, khoản tiền 5% viện phí cũng sẽ được thanh toán lại cho bệnh nhân nhờ các quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo. Các đối tượng được hưởng chế độ này là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện được hưởng trợ cấp, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ của Nhà nước, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí. Tuy vậy nguồn quỹ này không hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho các trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 1,8 triệu người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bên cạnh những người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước. Ngoài ra, với một số bệnh hiểm nghèo (tim mạch, ung thư, thận nhân tạo), có khoảng 400.000 người cần hỗ trợ viện phí trong quá trình khám, chữa bệnh.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay đã có nhiều chính sách ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người nghèo chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh hiểm nghèo như chạy thận, mổ tim, ung thư, chi phí rất lớn, người nghèo cũng không đủ tiền để trả. Hơn nữa, họ không có tiền đi lại nên cũng không có khả năng lên BV chuyên khoa để khám, không có tiền ăn nên chế độ dinh dưỡng kém, sức khỏe càng yếu, việc điều trị càng khó khăn.
Bình luận (0)