xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi tìm giọng… đàn ông

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Thời gian gần đây, chỉ riêng Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đã tiếp nhận mỗi tháng hơn 10 trường hợp nam giới mắc chứng rối loạn giọng nói

Nam giới không nói được giọng trầm đặc trưng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Những người là nam giới nhưng phát âm giọng nữ tìm đến bệnh viện điều trị ngày càng đông.

Thân trai, giọng gái

Trường hợp mới nhất được ghi nhận là anh T.H.K (30 tuổi, ngụ tỉnh An Giang). Nhìn bề ngoài, K. vạm vỡ, rất “đàn ông” nhưng ít ai biết gần 20 năm qua, anh luôn sống trong mặc cảm do chính giọng nói không phản ánh đúng giới tính của mình. Không thấy mặt mà chỉ nghe giọng nói của K. thôi, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đó là một cô gái. Với lỗi tạo hóa đó, quãng đời thanh niên của anh đã trôi qua trong sự chịu đựng, khép kín.

Mới đây, thanh niên này đã đón xe lên TP HCM mong được giải thoát khỏi nỗi buồn đeo đẳng. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, K. được bác sĩ kiểm tra, phân tích giọng nói, khám nội soi thanh quản, sau đó điều trị bằng phương pháp luyện giọng.

Theo lời K., anh bị đổi giọng từ khi lên 10 tuổi. Càng lớn, anh càng cảm thấy khổ sở. Mỗi lần nói chuyện, K. đều bị bạn bè cười cợt; lúc đi học thì chỉ ngồi riêng một góc, rất ít khi tiếp xúc với ai. Tâm lý mặc cảm, tự ti vì giọng nói tiếp tục theo K. cho đến khi anh ra trường và tìm được việc làm. Thậm chí, anh không có ý nghĩ làm quen với bạn gái dù nhu cầu tình cảm thôi thúc… Còn bây giờ, anh như được sống một cuộc sống mới với tâm trạng, cảm xúc hoàn toàn khác trước.


Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM hướng dẫn phát âm để tìm lại giọng nói cho một nam thanh niên

Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM hướng dẫn phát âm để tìm lại giọng nói cho một nam thanh niên

Một trường hợp khác cũng được Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM điều trị thành công là người đàn ông 42 tuổi, bị rối loạn giọng nói từ lúc dậy thì. Ít ai tin rằng ông đã chịu đựng “giọng nói con gái” trong gần 30 năm. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn được các bác sĩ điều trị và luyện giọng, ông đã tìm lại được giọng chuẩn nam. Niềm vui càng tăng thêm khi vừa rồi, ông gọi điện khoe với bác sĩ điều trị là đã có người yêu.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Trang, Trưởng Đơn vị Thanh học Bệnh viện Tai Mũi Họng

TP HCM, tình trạng rối loạn giọng nói trong cộng đồng ngày càng tăng. Gần đây, tình trạng nam giới nói giọng phụ nữ đến bệnh viện cầu cứu ngày càng đông. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 người mắc chứng bệnh này. Nhiều trường hợp vì rối loạn này mà bị bạn bè xa lánh, trắc trở chuyện tình duyên, càng làm nặng thêm nỗi mặc cảm, tự ti.

Chưa rõ nguyên nhân

Thống kê cho thấy số lượng nam giới rối loạn giọng nói tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị, tập luyện ngày càng nhiều. Họ thuộc nhiều độ tuổi, từ trẻ con đến người lớn nhưng phần đông là thanh niên và trung niên. Họ khát khao có được giọng nói trầm khàn đặc trưng của phái mạnh, đúng chất đàn ông. Hầu hết đều có cùng nỗi ưu tư là do “lạc giọng” mà cuộc sống của họ gặp không ít trở ngại như xin việc, yêu đương, lập gia đình…

Theo các chuyên gia, hiện chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng của tình trạng rối loạn giọng nói ở nam giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy có thể do tâm lý bối rối không chấp nhận giọng nói mới khi dậy thì; trẻ trai sinh ra trong gia đình có nhiều chị em gái...

Bác sĩ Trần Thị Thu Trang cho biết rối loạn giọng nói chủ yếu ở lứa tuổi dậy thì. Nếu phát hiện và can thiệp sớm ở lứa tuổi này thì mức độ thành công sẽ cao. Giai đoạn trong hoặc sau tuổi dậy thì, một bệnh nhân chỉ cần khoảng 3 buổi điều trị (mỗi buổi 30-45 phút). Người bệnh trưởng thành hoặc người có giọng nói hoàn toàn đặc trưng của nữ giới thì cần thời gian điều trị lâu hơn, khoảng 7-10 buổi.

Để điều trị chứng bệnh này, các bác sĩ sẽ sử dụng phương ngữ âm trị liệu. Theo lộ trình điều trị, bệnh nhân sẽ được ghi âm giọng nói vào băng cassette. Sau đó, họ được luyện giọng theo cách: thư giãn; tập thở bụng, đằng hắng, phát âm; tập đọc nhỏ, to, thấp, cao; tập kể chuyện; tập động tác môi, miệng; tập phong cách; tập hát và phát âm theo đàn; tập luyện tại nhà… Thông thường, tần số âm ở nam giới dao động từ 110-140 Hz, còn nữ giới 220-250 Hz. Những người nam nói giọng nữ có tần số âm thể hiện đặc trưng của nữ.

Điều trị thành công hơn 90%

Theo các chuyên gia, hơn 90% trường hợp sau điều trị đã tìm lại được giọng nói đích thực. Mục đích của luyện giọng là giúp bệnh nhân thoát khỏi tâm lý mặc cảm, hòa nhập cuộc sống và thuận lợi hơn trong những lĩnh vực làm việc cần giao tiếp nhiều.

Ngoài Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM là nơi áp dụng luyện giọng hàng chục năm qua, một số bệnh viện nhi, điều dưỡng nghề nghiệp cũng có chuyên khoa sửa giọng, luyện giọng, sửa tật nói ngọng cho trẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo