Chiều 8-4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn các biện pháp đối phó với tình trạng dịch sởi đang lan rộng.
2.500 trường hợp mắc bệnh sởi
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban, trong đó gần 2.500 ca được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Số này thấp hơn đợt dịch 2009-2010 (8.233 ca). Đa số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%), hơn 10% trẻ mắc sởi đã tiêm mũi 1, chỉ có 4,2% trẻ tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, số tử vong và biến chứng do sởi là 25 trường hợp. Trong đó, chỉ có 1 trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông Phu khẳng định chưa có sự biến đổi về gien và các type virus sởi, cũng chưa có sự gia tăng độc lực.
“Các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi” - ông Phu nhận định.
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho rằng chủng virus sởi năm 2014 tương đồng với chủng virus cổ điển, không có sự biến đổi về độc lực và lâm sàng. Theo ông, trong tháng 4 và tháng 5-2014, khi thời tiết nóng lên và số trẻ được tiêm chủng gia tăng thì dịch sởi sẽ giảm mạnh. “Nếu công tác tiêm chủng được đẩy mạnh như hiện nay thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017” - ông Hiển tự tin.
Nặng nhất trong 40 năm qua
Trong khi đó, PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho biết vào cùng kỳ năm 2013, chỉ có 7.000 bệnh nhi nhập viện nhưng thời điểm này là 10.000 cháu (tăng 30%). Trong đó, một nửa bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Điểm bất thường là tỉ lệ bệnh nhi mắc sởi nhập viện tăng cao.
“Từ đầu tháng 12-2013 đến nay, đã có 1.000 ca mắc sởi, biến chứng nặng phải nhập viện. Ngay trong thời điểm này, BV thường xuyên điều trị 200-250 bệnh nhân/ngày. BV phải dành toàn bộ Khoa Truyền nhiễm để điều trị bệnh sởi. Đáng lo ngại là trong 6 ca tử vong, BV tiến hành xét nghiệm đã phát hiện trẻ đồng nhiễm nhiều loại virus. Bản thân trẻ đã suy giảm miễn dịch vì mắc sởi lại “dính” thêm nhiều virus khác khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng nề” - ông Hải nói.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết qua hàng chục năm mới ghi nhận số trẻ mắc sởi tăng cao và diễn biến bất thường như hiện nay. Kể từ ca nghi mắc sởi đầu tiên nhập viện (ngày 25-1) đến nay, Khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiếp nhận 83 ca rất nặng. Sáng 8-4, tiếp tục có 3 ca nữa phải nhập viện điều trị vì bệnh sởi. 81/83 ca là trẻ sống tại Hà Nội, chỉ có 2 trẻ ở ngoại tỉnh. Trẻ phải nhập viện đều là những bệnh nhi có viêm phổi, đa phần phải thở ôxy, nhiều trường hợp phải thở máy.
“Chúng tôi thấy sởi năm nay bất thường, viêm phổi diễn biến rất nhanh. Bình thường, bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay hết nhưng năm nay, virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi, gây biến chứng viêm phổi rất nhanh và nặng, tỉ lệ tử vong cao. Hơn nữa, đợt dịch năm nay có nhiều trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí mới 24 ngày tuổi” - PGS-TS Dũng lo ngại.
Đề cập mức độ nguy hiểm của mùa dịch năm nay, PGS-TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết: “Vào những năm 1970, tôi từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy... Năm nay, dịch sởi lại diễn biến đáng ngại với nhiều ca gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh vẫn rất nặng, nhiều ca không thể cứu chữa. Trong 40 năm qua, tôi chưa từng thấy năm nào có dịch sởi diễn biến nặng như năm nay” - ông An lo lắng.
Quyết liệt tiêm chủng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng mấu chốt để giải quyết dịch sởi là hoàn thành việc tiêm chủng vắc-xin cho các đối tượng có nguy cơ cao trong tháng 4-2014. Hiện Việt Nam chưa công bố loại trừ bệnh sởi. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiêm vắc-xin sởi và Rubela cho 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi để loại trừ bệnh.
Bình luận (0)