“Trọng tâm đặt ra của Bộ Y tế là quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết đang diễn biến bất thường, hạ quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong. Nếu ngành y tế địa phương nào để xảy ra tử vong nhiều thì chịu trách nhiệm”. TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhấn mạnh như vậy tại buổi khảo sát và làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh tại TPHCM ngày 16-3.
Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp 4 lần
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong 2 tháng qua, trung bình mỗi ngày BV điều trị 70-80 trẻ mắc bệnh TCM và đã có 1 ca tử vong. Trong số này, 70% ca mắc cư ngụ tại TPHCM và hầu hết nhập viện muộn khi ở độ 2a, 2b và độ 3 (cấp độ nặng)…
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận gần 12.500 ca mắc bệnh TCM tại 60/63 tỉnh, thành, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011, trong đó 11 bệnh nhi tử vong. Chỉ riêng tại TPHCM, theo BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP, cũng đã ghi nhận 1.351 trường hợp, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái, trong đó 1 ca tử vong (ngụ quận 8). Hiện số ca mắc ở mức cao với 200 ca/tuần và 65% phường, xã đều có ca bệnh.
Tuyến tỉnh lúng túng
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng dịch vẫn còn lơ là. Tại buổi khảo sát chung cư phường Nguyễn Thái Bình quận 1 - TPHCM (nơi vừa có trẻ mắc TCM) trong buổi sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dân cư tại đây tuy đã triển khai nhưng chưa thực sự tác động mạnh, các tổ chức đoàn thể địa phương chưa làm hết nhiệm vụ nên người dân chưa chú trọng ý thức phòng bệnh, việc tuyên truyền chưa được sâu rộng khiến người dân lơ là. Ngoài ra, khu vực xây dựng dang dở vẫn chưa được xử lý vệ sinh là nguy cơ của những ổ dịch bệnh sốt xuất huyết…
Qua chuyến khảo sát các tỉnh có số ca mắc TCM và tử vong cao mới đây như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi Đồng 1, nhìn nhận do chưa được đầu tư về nhân vật lực, thiếu trang thiết bị nên công tác thu dung, điều trị TCM gặp khó khăn. Bác sĩ Tăng Chí Thượng đánh giá khả năng chẩn đoán bệnh TCM của các bệnh viện tỉnh còn hạn chế, nhất là tuyến huyện. Đồng thời phần lớn bệnh viện tỉnh thiếu trang thiết bị, năng lực điều trị TCM chưa tốt, chưa tổ chức huấn luyện, cập nhật cho tuyến huyện.
Quyết liệt ứng phó dịch TCM Tại buổi làm việc với đoàn của Bộ Y tế chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết năm nay, bệnh xuất hiện tại TP sớm là điều rất đáng lo ngại. Để kịp thời điều trị, cũng như hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh, TP sẽ quyết liệt ứng phó với dịch bệnh, sẽ chống dịch kiểu phong tỏa ngoài vành đai, giảm số ca mắc đưa về TP. Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận cũng đề nghị Bộ Y tế cần có những cơ chế chính sách để TP đưa nhân sự, đồng thời sẽ đưa trang thiết bị về tỉnh hỗ trợ chuyên môn chống dịch bệnh TCM. |
Bình luận (0)