Bác sĩ Đào Hữu Minh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng các chất liệu như trúc, sành sứ, thủy tinh. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh”.
Giác hơi có thể phòng và chữa bệnh nhưng không phải bị mắc bệnh gì cũng có thể chữa bằng phương pháp này. Mới đầu, trong y học cổ truyền, giác hơi được dùng để hút mủ ở mụn nhọt, sau đó được phát triển để chữa các bệnh khác.
Theo quan niệm của đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra thì bệnh chỉ nặng thêm. Thông thường, giác hơi chữa các chứng đau do hàn như đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ...
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, có nhiều bệnh nhân đau lưng do thận hư, đau xương khớp do lạnh đến giác hơi và có cả bệnh nhân bị... béo phì. Ống giác được úp lên các huyệt trên vùng bụng, lưng, đùi; dưới tác dụng của nhiệt và tác dụng của chân không sẽ giúp tăng cường chuyển hóa, phân giải mỡ để giảm béo.
Cũng theo bác sĩ Minh, có nhiều cách giác khác nhau: Dùng kim châm rồi úp ống giác vào đó khoảng 15-20 phút; úp giác để hút mủ; úp ống giác rồi kéo dài tạo thành vệt; dùng kim châm vào huyệt, sau đó rút kim ra ngay, chụp ống giác vào để hút máu ra... Hai cách giác hơi phổ biến hiện nay là úp ống giác rồi bỏ ra ngay hay để ống giác nguyên tại chỗ 15 - 20 phút. Tùy theo chứng bệnh và tình trạng bệnh mà áp dụng các kiểu giác hơi khác nhau.
Do giác hơi là phương pháp sử dụng nhiệt, chính vì vậy, khi giác hơi, người thực hiện cần có kinh nghiệm, kỹ thuật đốt lửa đến độ vừa phải, tránh bỏng cho bệnh nhân. Những phần thường được làm giác là những vùng có cơ dày như lưng, ngực, đùi, bắp chân... Người làm giác cần tránh những chỗ da bị dị ứng, nổi mẩn, trầy xước, vết thương hở, đầu khớp xương...
Bình luận (0)