Đến nay, gần 100 trường hợp phụ nữ hiếm muộn được áp dụng kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non (IVM), một nửa trong số này đã có kết quả tốt, thai bắt đầu phát triển. Kỹ thuật chọc hút trứng non được áp dụng để điều trị cho các trường hợp vô sinh do hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) tỏ ra hiệu quả hơn việc điều trị bằng phẫu thuật hay nội tiết trước đây.
Có thai sau gần một tháng áp dụng IVM
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM, cho biết hội chứng BTĐN là một trong những bệnh rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân thường gặp nhất của vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn. Hội chứng BTĐN chiếm tỉ lệ khoảng 6% - 10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.
Ở những phụ nữ bị BTĐN, buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng. Kinh thưa, kinh không đều hay vô kinh là những rối loạn về kinh nguyệt thường gặp trong hội chứng BTĐN. Một trong những triệu chứng thường gặp khác của buồng trứng đa nang là rậm lông (mặt và cơ thể). Đây là biểu hiện của tình trạng cường androgen.
Trước khi áp dụng kỹ thuật IVM, chị M.N.B đã được điều trị bằng cách sử dụng thuốc gây rụng trứng nhưng thất bại. Ngày 18-9-2006, chị B. đã được theo dõi buồng trứng và chọc hút trứng non, tổng cộng thu được 15 trứng non. Sau khi nuôi cấy 28 giờ, có 12 trứng đã trưởng thành. Trong 12 trứng trưởng thành, có 8 trứng thụ tinh, sau đó 7 trứng phát triển thành phôi và được cấy phôi vào buồng tử cung vào ngày 21-9-2006. Kết quả thử máu 2 tuần sau đó cho kết quả có thai dương tính, sau đó gần một tháng, được siêu âm và xác định có thai trong buồng tử cung. Đây là một trường hợp song thai. Hiện chị B. đã gần đến ngày sinh. Sức khỏe của chị và thai nhi đều tốt.
Chi phí thấp và an toàn
Theo bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, IVM là kỹ thuật chọc hút trứng non từ những nang noãn nhỏ hơn 10 mm. Sau đó, trứng non được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt, chứa nhiều loại nội tiết tố và huyết thanh trong 28 giờ để trứng trưởng thành, tiếp theo trứng được cho thụ tinh để phát triển thành phôi, rồi cấy trở lại tử cung người mẹ theo phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm bình thường. Với kỹ thuật IVM, chi phí cho một ca điều trị vô sinh chỉ còn khoảng 15 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với thụ tinh trong ống nghiệm thông thường. Trong khi đó, thời gian điều trị chỉ từ 7-10 ngày.
Điểm đáng chú ý là kỹ thuật IVM đặc biệt thích hợp với những trường hợp người bệnh bị buồng trứng đa nang. Đồng thời, kỹ thuật này an toàn cho bệnh nhân, nhờ loại trừ được nguy cơ quá kích buồng trứng. Số lần siêu âm theo dõi ít hơn và không cần thử máu. Áp dụng kỹ thuật IVM cho những bệnh nhân vô sinh do hội chứng BTĐN còn tránh được một tai biến khác cũng thường gặp là tình trạng đa thai. Đối với phụ nữ có BTĐN, nếu điều trị bằng nội tiết trong các chu kỳ điều trị vô sinh, thường có tỉ lệ đa thai cao hơn, với tỉ lệ khoảng 12% - 30%. Tình trạng đa thai dẫn đến nguy cơ sinh non, khi tuổi thai dưới 37 tuần. Chính điều này làm ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của trẻ sinh ra (nhẹ cân, suy hô hấp...).
Đến nay, trên thế giới, ước tính đã có hơn 400 em bé ra đời từ kỹ thuật IVM. Kỹ thuật này được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ sinh sản đánh giá là một tiến bộ vượt bậc và có khả năng thay thế thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh.
Chưa có cách điều trị đặc hiệu buồng trứng đa nang Theo bác sĩ Đặng Quang Vinh, Khoa Hiếm muộn – BV Từ Dũ, hội chứng BTĐN về sau có khả năng tăng nguy cơ của một số bệnh như: tim mạch, tiểu đường, ung thư nội mạc tử cung, cao huyết áp. Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho BTĐN. Việc điều trị bằng phẫu thuật hay nội khoa vẫn còn là một vấn đề còn đang tranh cãi. Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông... hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này. Tuy nhiên, sau khi ngưng thuốc, các triệu chứng có thể sẽ trở lại như ban đầu. |
Bình luận (0)