Theo hướng dẫn chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế vừa ban hành, người mắc Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng. "Những trường hợp người bệnh nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng" - Bộ Y tế hướng dẫn.
Dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 tại nhà
Đại diện Bộ Y tế cho biết khi bị mắc Covid-19, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng. Người bệnh đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng. Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy và tăng chi phí điều trị. Theo đó, nguyên tắc dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng đó là bữa ăn cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Ngoài ra, cần bổ sung thêm 1-2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa. Đặc biệt nên bổ sung khi người bệnh ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi... Người bệnh nên ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Bổ sung thêm trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại. Sử dụng gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.
Bộ Y tế cũng lưu ý, người bệnh không bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và thêm các bữa phụ. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa. Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho giáo viên và trẻ mầm non do liên quan đến F1 của ca bệnh Covid-19 Ảnh: Bộ Y tế
Lưu ý dinh dưỡng cho người có bệnh nền
Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, năm 2021 Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16 đến 23-10 diễn ra với chủ đề là "Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khỏe, góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19". "Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" diễn ra trong tình hình hết sức đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn ra rất nặng nề, ảnh hưởng đến thu nhập, sức khỏe và tính mạng người dân. Do đó, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng với mỗi người" - ông Tuyên nhấn mạnh.
Để nâng cao sức khỏe trong mùa dịch Covid-19, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị người dân cần thực hiện các biện pháp bảo đảm số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng của khẩu phần ăn hằng ngày; chú ý ăn đủ lượng thịt, cá, trứng, rau xanh, quả chín... để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Với người bệnh mắc Covid-19 cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, chú ý cách chế biến để ăn ngon miệng, không bỏ bữa. Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con bú. Không ăn mặn; hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường...
Giới chuyên môn cũng khuyến cáo người dân cần ăn đủ 3 bữa chính. Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: Ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín. Đồng thời, cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng; cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250 g), rau xanh (300-400 g) và quả chín (200-300 g) mỗi ngày. Trong trường hợp người bệnh mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm; có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ, hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày. Với người có bệnh nền phải thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sĩ và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý. Người bệnh cần được uống đủ nước, mỗi ngày uống khoảng 1,6-2,4 lít nước, hạn chế sử dụng nước ngọt, đồ uống có cồn.
Bình luận (0)