“Phải họp nhiều phiên” vì đây là vụ tai biến mà ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - nhận xét là chưa từng có trong ngành y tế Việt Nam suốt 30 năm làm nghề y của ông.
Nguyên nhân tai biến được các chuyên gia y tế nhắm đến là từ khâu gây mê, đặc biệt là thuốc.
Thử bắt đầu từ khâu gây mê. Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Thanh Bình - thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA), người trực tiếp gây mê cho 2 cháu bé bị tai biến tử vong - tất cả các cháu trong chương trình phẫu thuật đều được sử dụng thuốc mê Fresofol (Propofol) và khí mê Servofrane do Bệnh viện (BV) Quân y 87 cung cấp, có hạn dùng đến năm 2016. BS Bình, người có thâm niên 36 năm trong nghề gây mê, thuật lại rằng sau khi xử trí tương đối ổn trường hợp tai biến đầu tiên, bà mới gây mê ca thứ hai... BS này thổ lộ chính bà cũng không thể hiểu vì sao mọi việc lại diễn biến phức tạp đến như vậy!
Cũng cần thấy rằng cùng thời điểm xảy ra tai biến, tại bàn mổ bên cạnh, các cháu khác cũng được một bác sĩ của BV Răng Hàm Mặt TP HCM gây mê. Sau phẫu thuật khoảng 30 phút thì thêm 1 cháu bị tai biến phải đưa đi cấp cứu và tử vong vào ngày 24-8.
Lúc này, nhận định sơ bộ của các bác sĩ ở BV Quân y 87 và BV Đa khoa Khánh Hòa về 3 trường hợp tai biến chết người là do “sốc thuốc”. Ban giám đốc BV Quân y 87 lúc đó đã yêu cầu dừng ngay việc gây mê, phẫu thuật. Vào thời điểm đó, có 8 cháu được phẫu thuật xong và hiện đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt. Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, OSCA đã khám sàng lọc, chọn ra 56 trong số 80 cháu và ngày 23-8 bắt đầu phẫu thuật với 2 bàn mổ.
Còn “vai trò” của thuốc trong tai biến dồn dập kia thì sao? Ông Bùi Xuân Minh cho rằng BV Quân y 87 là BV hạng I nên khó có tình trạng quản lý thuốc lỏng lẻo, đặc biệt là thuốc gây mê hồi sức vốn đòi hỏi phải bảo quản nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng thuốc giảm chất lượng do lỗi trong khi vận chuyển hay lỗi khác trước khi nhập kho dược của BV vốn được quản lý theo ngành dọc của quân đội. Chỉ một nhận định hé ra từ đây nhưng lại gợi không ít suy nghĩ.
Không ít bài học kinh nghiệm cần rút ra sau vụ tai biến nghiêm trọng này, trong đó có vấn đề phối hợp tổ chức trong các chương trình phẫu thuật từ thiện. Chẳng hạn, có thể coi là khinh suất khi BV Quân y 87 gần như đã giao khoán hoạt động phẫu thuật, bao gồm cả công đoạn rất quan trọng là gây mê, cho OSCA mà không tính đến sự phối hợp về chuyên môn.
Và, thật khó hiểu, ngay sau khi các tai biến xảy ra, đại diện Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đặt ra những câu hỏi sát sườn về chuyên môn đối với OSCA nhưng đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào từ tổ chức vừa bị Bộ Y tế đình chỉ hoạt động này.
Bình luận (0)