80% số bệnh nhân bị teo cơ cả hai tay
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí đề cập tới căn bệnh này. Hồi tháng 7-2005, Báo Người Lao Động cũng đã có bài “Hàng ngàn trẻ bị xơ hóa cơ Delta do tiêm kháng sinh” nói về hàng loạt trẻ em ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị teo cơ để cảnh báo về căn bệnh này. Tuy nhiên, vấn đề này mới thực sự được ngành y tế quan tâm và chính thức vào cuộc khi báo giới lại một lần nữa lên tiếng về gần 200 trường hợp bị xơ teo cơ ở huyện Ba Vì, Hà Tây được phát hiện vừa qua.
Chỉ cho tôi đứa con gái vừa mổ được hơn 3 giờ, chị Nguyễn Thị Hà, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết, đây là đứa con thứ hai của chị bị mổ cả hai tay vì xơ teo cơ, còn trước đó hơn 2 tháng đứa con trai 11 tuổi cũng phải mổ cánh tay trái vì căn bệnh này. Chị bảo, hai con chị do lúc nhỏ bị các bệnh nhiễm trùng nên đã phải đưa ra trạm y tế xã và tiêm kháng sinh nhiều lần vào cơ tay, có thể đây là nguyên nhân gây bệnh.
Theo thống kê của Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, từ đầu tháng 4 đến nay, đã có hơn 40 bệnh nhi bị xơ teo cơ Delta ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Sơn La, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định... được phẫu thuật, một số khác bệnh nhẹ hơn BV đã cho luyện tập phục hồi chức năng. Bệnh nhân nhập viện từ 2 - 17 tuổi, trong đó, khoảng 80% phải phẫu thuật cả hai tay do xơ teo cơ.
Hạn chế tối đa tiêm kháng sinh vào cơ
Trên Báo Người Lao Động tháng 7-2005, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Phẫu thuật chỉnh hình nhi BV Nhi Trung ương, cho biết trường hợp xơ teo cơ đầu tiên được phát hiện từ tháng 8-1994. Từ đó đến nay, đã có hàng ngàn trường hợp được phát hiện và phẫu thuật. Theo kết quả nghiên cứu của PGS Hưng, cách đây hơn chục năm, nguyên nhân của teo cơ Delta đã được nói tới là do tiêm kháng sinh không đúng cách. Hồi đó, khi trao đổi với phóng viên, ông thẳng thắn: Tiêm kháng sinh vào bất cứ cơ nào cũng gây xơ hóa và gây cứng khớp. Ít nhất sau 6 tháng tiêm kháng sinh (peniciline, streptomycin, lincomycin...) trong cơ, bệnh nhân mới có các biểu hiện của bệnh. Không riêng gì trẻ em, người lớn cũng mắc bệnh này.
Một đề tài cấp bộ về bệnh xơ teo cơ Delta vừa được BV Nhi triển khai trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với trên 3.600 đối tượng. Đáng lưu ý, nhóm có tiền sử tiêm kháng sinh và tiêm các loại thuốc khác cao có tỉ lệ mắc bệnh teo cơ Delta gấp 4 lần so với nhóm không tiêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, trên cơ sở nghiên cứu, nguyên nhân bị bệnh do tiêm vắc-xin đã được loại trừ, bởi chương trình tiêm chủng mở rộng mới chỉ bắt đầu cách đây 20 năm, trong khi bệnh xuất hiện ở cả trường hợp gần 70 tuổi. Bác sĩ Lộc cũng đề nghị, cần hạn chế tối đa việc tiêm kháng sinh vào cơ mà nên chuyển sang điều trị bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch.
Góc nhìn Lời nhận lỗi muộn màng Con số bệnh nhân tại Việt Nam được phát hiện mắc bệnh xơ teo cơ Delta cho đến thời điểm này đã vượt ngưỡng 2.000 người. Lo ngại hơn, phần lớn trong số đó là trẻ em từ 12 - 16 tuổi. Theo phát hiện thì những bệnh nhân này đã ủ bệnh từ lúc 4 - 5 tuổi. Thời gian này tương đương với bệnh đã xảy ra từ hơn 10 năm về trước. Hơn một thập niên phát bệnh, hôm nay căn bệnh này đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Nhưng mãi đến ngày 8-5 vừa qua, như xác nhận của Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, trong chuyến làm việc tại Ba Vì, Hà Tây, ngành y tế mới chỉ biết đến các trường hợp mắc bệnh sau khi báo chí phản ánh. Lời xác nhận này đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên vì phải cần tới 10 năm mới... nhìn thấy một căn bệnh phổ biến như vậy. Người bệnh có thể lành nhờ bàn tay của thầy thuốc, nhưng người khỏe cũng có thể mắc bệnh vì... bàn tay của thầy thuốc. Việc điều trị cho những bệnh nhân bị chứng bệnh này là việc đương nhiên phải làm của ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nhận lỗi vì phát hiện chậm căn bệnh này. Song, như thế chưa đủ. Ngành y tế phải chặt chẽ, cân nhắc trong điều trị, cho lưu hành thuốc; phải có trách nhiệm, sâu sát thật sự đối với sức khỏe của cộng đồng. Đừng để xảy ra rồi mới có lời nhận lỗi muộn màng. M. Dung |
Bình luận (0)