Vụ Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết qua kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, cơ quan chức năng phát hiện một số bệnh viện y dược học cổ truyền và kho y học cổ truyền của các cơ sở khám - chữa bệnh tại vài địa phương sử dụng sai vị thuốc, sử dụng các vị thuốc kém chất lượng, có tạp chất…
Thiên hình vạn trạng
Đáng ngại hơn là nhiều vị thuốc không bảo đảm chất lượng đang được sử dụng ở các bệnh viện công và tư. Đợt kiểm tra từ tháng 4 vừa qua, trong 193 mẫu đã có 66% không đạt chỉ tiêu so với tài liệu dược điển Việt Nam. Có khoảng 20 vị thuốc được xác định dễ bị nhầm lẫn giữa các loại hay trộn lẫn hóa chất, không đạt chỉ số về hoạt chất hay có lẫn nhiều tạp chất.
Dược liệu “đểu” có thiên hình vạn trạng, khó “vạch mặt, chỉ tên” nhưng chung quy có một số hình thức chủ yếu sau:
- Làm giả: Thường là những dược liệu quý hiếm đắt tiền như: Lấy thạch thảo làm đông trùng hạ thảo, móng lợn làm xuyên sơn giáp (vảy tê tê), dưa gang làm thiên ma, củ sắn làm phục linh, khoai lang sấy khô làm phụ tử, táo ta thành táo tàu, long vải làm long nhãn… Trong những trường hợp này, người bệnh bị móc túi.
- Pha trộn hóa chất, phẩm màu, làm giảm chất lượng, gây độc hại: Biến sừng trâu nước thành sừng tê giác; nấu xương chó, trâu bò… làm cao hổ cốt, cao ngựa bạch; dùng phẩm màu để làm hồng hoa, thục địa; trộn bột đậu xanh làm bột tam thất… Trong trường hợp này, người bệnh “tiền mất tật mang”.
- Sử dụng dược liệu phế phẩm, mất vệ sinh: Để có giá thành rẻ, người ta sử dụng cả những phần đáng lẽ phải bỏ đi trong quá trình bào chế như tế tân có cả rễ, đất cát, lõi ba kích, lõi mạch môn, gốc rễ ma hoàng… Trong những trường hợp này, dược liệu không còn tác dụng chữa bệnh.
- Bào chế sai quy trình: Bào chế dược liệu là công đoạn vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới hiệu quả chữa trị. Tiếc thay, do thiếu hiểu biết, nhiều người đã đem xay tam thất, linh chi và dược liệu bằng máy xay có tốc độ 2.700 vòng/phút, làm cho các hoạt chất trong dược liệu biến tính.
Chớ tham rẻ
Thương trường bao giờ cũng tuân theo quy luật “tiền nào của nấy”, “của rẻ là của ôi”. Vì vậy mua thuốc, dùng thuốc chớ tham rẻ. Điều cốt yếu là thuốc đó chữa được bệnh chứ không phải rẻ hay đắt.
Xử phạt chưa đủ răn đe Tình trạng dược liệu giả, kém chất lượng, độc hại đã biết từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ quan quản lý Nhà nước chưa ra tay. Tại sao xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác có thể bị truy cứu hình sự, phạt tù; trong khi bán, sử dụng thuốc “đểu”, dược liệu “đểu” cũng xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác lại chỉ xử lý hành chính như phạt tiền, thu hồi giấy phép? Việc nhập khẩu dược liệu trái phép (buôn lậu) kém chất lượng, làm giả chứng chỉ xuất xứ cũng chỉ xử lý ở mức độ chưa đủ răn đe, trong khi Nhà nước đã ban hành dược điển Việt Nam quy định chất lượng. |
Bình luận (0)