Nên nhớ là cảm giác vị giác ở lưỡi của trẻ rất tốt và nhạy cảm. Vì vậy, khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, cần nêm nhạt hơn cảm giác của lưỡi người lớn một tí. Vừa miệng của mẹ đôi khi là quá mặn đối với con.
Chất đạm, chất xơ luôn chứa trong miếng thịt, cọng rau. Dù có hầm xương, luộc thịt, luộc rau bao lâu đi nữa thì các chất dinh dưỡng cũng không thể nào tan vào trong nước hầm. Nếu cứ cho con ăn nước hầm xương với khoai củ, sẽ dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, lysin, sắt, kẽm, vitamin… và dẫn đến tình trạng biếng ăn kéo dài. Vì vậy, phải băm nhuyễn thịt cá, cắt nhỏ lá rau ra nấu mềm cho trẻ ăn cả phần cái (phần xác) thì mới nhận đủ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Một loại thức ăn đơn điệu lặp đi lặp lại mãi hay luôn phải ăn một loại nước xương hầm… sẽ gây cảm giác chán ăn. Cần thay đổi thường xuyên giữa các loại thịt, rau, củ…
Trẻ ở độ tuổi nào thì chỉ có khả năng tiêu hóa được thức ăn phù hợp ở tuổi đó. Dưới 6 tháng tuổi, chỉ có sữa là cần thiết và phù hợp; 6-7 tháng, sữa là chủ yếu, tập ăn giặm bột với lượng ít và tăng dần; 7-8 tháng, cho ăn bột sệt, sữa, trái cây tươi; 9 - 12 tháng, tập ăn thêm cháo; 12 - 24 tháng, tập ăn thêm nui, bún, hủ tiếu…; trên 24 tháng, cho ăn cơm khi có đủ 20 răng sữa. Các giai đoạn chuyển tiếp từ sữa sang bột (4-5 tháng) hoặc từ cháo sang cơm (24 tháng) rất quan trọng. Bạn cần khéo léo, tập chuyển từ từ để trẻ có thể chấp nhận được những thay đổi lớn này.
Bình luận (0)