TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết 2 bệnh nhân bị nhiễm cùng lúc 2 bệnh cấp tính cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết (SXH) đều ở TP Hà Nội và đều được phát hiện tại viện này.
Một bệnh nhân là nam 59 tuổi, ở huyện Thanh Trì và một bệnh nhân là nữ 32 tuổi, ở quận Hoàng Mai. Hai trường hợp này đều nhập viện với triệu chứng sốt cao, có biểu hiện rất rõ của bệnh SXH và cúm A/H1N1. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với cả hai người.
Ngồi viện thay cho nằm viện
“Đây là những trường hợp đầu tiên đồng nhiễm 2 chủng virus SXH và cúm A/H1N1 nên lúc đầu chúng tôi cũng rất phân vân trong việc cho bệnh nhân nằm điều trị ở khu vực nào. Sau khi hội chẩn, nhận thấy cúm A/H1N1 nguy hiểm hơn nên chúng tôi đã cho nằm điều trị tại khu vực bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 rồi cùng lúc điều trị song song 2 phác đồ truyền dịch và Tamiflu. Hiện cả 2 bệnh nhân đều đã ổn định” - TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm.
Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia
Cũng theo TS Nguyễn Văn Kính, thông thường khi thời tiết lạnh dần lên thì số ca mắc SXH giảm nhưng thực tế tại viện này số ca mắc SXH đến khám và nhập viện vẫn chưa giảm. Hiện có đến 80% số bệnh nhân SXH đều nhập viện trong tình trạng rất nặng, chảy máu, sốc, tiểu cầu hạ, không ít người huyết áp và mạch bằng không, nguy cơ tử vong rất cao.
Do cùng lúc bùng phát mạnh 2 dịch bệnh nguy hiểm là SXH và cúm A/H1N1 nên viện luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, bệnh nhân đông tới mức không thể nằm viện mà... ngồi viện.
Khó phát hiện và điều trị
Lý giải về những trường hợp đồng nhiễm SXH và cúm A/H1N1, ông Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, cho rằng về nguyên tắc hoàn toàn có thể đồng nhiễm 2 bệnh trên do có căn nguyên từ 2 virus khác nhau và 2 đường lây truyền khác nhau.
“Tuy nhiên, cùng lúc mắc 2 bệnh chắc chắn nặng hơn mắc một bệnh đơn lẻ. Trong trường hợp mắc cúm A/H1N1 và SXH cùng ở thể nhẹ thì không đáng ngại, nhưng nếu một trong 2 bệnh ở thể nặng và có tác động thêm của một bệnh khác thì điều trị sẽ rất khó khăn” - ông Vũ Sinh
Cũng theo ông Vũ Sinh Nam, đồng nhiễm SXH và cúm A/H1N1 có thể gây khó khăn trong chẩn đoán do SXH không có viêm long đường hô hấp như cúm A/H1N1, những ngày đầu nhiễm bệnh của bệnh nhân SXH lại khó chẩn đoán nên bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị Tamiflu mà bỏ qua SXH.
TS Nguyễn Văn Kính lo ngại trong khi 2 loại dịch bệnh này đang có số lượng mắc cao, nhất là giai đoạn cúm A/H1N1 lan tràn mạnh thì nguy cơ đồng nhiễm 2 bệnh này sẽ càng cao.
Cùng đó, nguy cơ tử vong cũng tăng lên nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, nếu trong gia đình có người nhiễm cúm và SXH thì rất cần cách ly để tránh tình trạng nhiễm chéo nhiều bệnh cùng một lúc.
Thêm 2 bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 Ngày 5-11, Bộ Y tế thông báo có thêm 2 bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên con số 39. Trường hợp thứ 38 là bệnh nhân nữ (54 tuổi, ngụ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), có tiền sử đái tháo đường và viêm khớp, được phát hiện cách đây một tháng, tử vong ngày 2-11 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. |
Bình luận (0)