Theo News-Medical và Medical Xpress, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Purdue (Mỹ) đã thử nghiệm trên các con chuột bị làm cho mắc ung thư tiến triển nhanh.
Họ đã "đánh lừa" các tế bào ung thư trong một số con chuột hấp thụ một đoạn RNA nhỏ là microRNA-34a, được mô tả như "một chiếc phanh ô tô" nhằm làm chậm hoặc ngừng sự phân chia tế bào.
Liệu pháp mới đem trở lại một "chiếc phanh" đã bị mất khi tế bào biến thành tế bào ung thư - Ảnh đồ họa: ĐẠI HỌC PURDUE
Chỉ trong vòng 21 ngày, khối u trong cơ thể các con chuột được dùng microRNA-34a hoàn toàn ngưng tăng trưởng, trong khi khối u ở các con chuột đối chứng tăng gấp 3 lần kích thước.
Bài công bố trên tạp chí y học Oncogene giải thích rằng họ lợi dụng chính cơ chế căn bản của ung thư: Được đặc trưng bởi tác tế bào phân chia không kiểm soát do bỏ qua các tín hiệu buộc chúng phải chết đi hoặc ngừng phân chia, thậm chí trốn tránh hệ miễn dịch.
MicroRNA-34a vốn hiện diện rất nhiều trong các tế bào khỏe mạnh, nhưng lại bị giảm đáng kể trong tế bào ung thư. Vì vậy đưa chiếc phanh này trở ngược lại khối u, các nhà khoa học hy vọng có thể đảo ngược tiến trình.
MicroRNA vốn dễ phân hủy tự nhiên nên các nhà khoa học đã cải thiện độ bền của liệu pháp bằng cách thêm một số cụm nguyên tử nhỏ dọc theo độ dài của sợi RNA nhỏ này.
Sợi microRNA đã được sửa đổi tiếp tục được gắn vào một phân tử vitamin folate, thứ mà tế bào ung thư ưa chuộng, vì chúng có nhiều thụ thể folate trên bề mặt hơn các tế bào khỏe mạnh. Do đó microRNA đã được đưa vào như một "cú lừa" ngoạn mục.
Bình luận (0)