xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột quỵ mùa nắng nóng

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Chỉ riêng Bệnh viện Nhân dân 115- TP HCM, mỗi ngày tiếp nhận từ 30-35 ca đột quỵ, chưa kể tại đây luôn có khoảng 160-170 bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị

Mới đây, Bệnh viện (BV) Quân y 175, TP HCM tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân đột quỵ khi tuổi đời mới 17. Là thanh niên mới lớn, vóc dáng cao to, khỏe mạnh, không nghiện thuốc lá và các chất kích thích, không ai nghĩ anh N.V.Đ bị đột quỵ. Ấy vậy mà trong lúc đang vui vẻ cười đùa, Đ. bất ngờ ôm đầu kêu đau, nằm lăn ra đất, ho liên tục, ói ra máu…

Già, trẻ đều đột quỵ

Nói về trường hợp mẹ mình, mắt anh N.V.T (TP HCM) ngấn lệ khi sức khỏe của bà suy kiệt từng ngày ở quê dù đã chạy chữa đột quỵ gần một năm qua. Mẹ anh T. (68 tuổi) bị tiểu đường, cao huyết áp và lúc nào cũng phòng bị thuốc bên mình. Hôm bị đột quỵ, bà đang súc rửa bể cá ngoài trời lúc nắng gắt tại thời điểm tháng 4 này. Trong lúc lom khom làm việc, cảm thấy khát nước, bà vô nhà ngồi xuống võng, ăn chưa xong miếng dưa hấu lạnh thì bỗng xây xẩm, ngã quỵ ra võng, ói mửa. Chuyển đến Khoa Nội BV Đa khoa tỉnh Phú Yên thì được chẩn đoán do ngộ độc thực phẩm, điều trị đến ngày thứ 3 thì mẹ anh yếu dần. Người nhà tức tốc đưa vào TP HCM điều trị tích cực và phục hồi chức năng. “Nhưng đã quá muộn, mọi hy vọng đều tắt ngấm, mẹ tôi liệt toàn thân và hầu như không còn khả năng phục hồi” - anh T. bùi ngùi.

Tại các BV trên địa bàn TP như Chợ Rẫy, Thống Nhất…, số bệnh nhân lớn tuổi điều trị đột quỵ không ngừng tăng. Chỉ riêng BV Nhân dân 115 trong tháng 3 và 4, mỗi ngày tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân đột quỵ, trong khi tháng 1 và 2 trước đó là khoảng 25 ca/ngày. Chưa kể lúc nào tại đây cũng có 160-170 bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân TP HCM khoảng 40%, các tỉnh lân cận khoảng 60%.

PGS-TS Trương Quang Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho hay đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong đó 88% là do tình trạng mạch máu bị nghẹt khiến máu không đủ cung cấp để nuôi mô não, tình trạng dị dạng mạch máu não gây vỡ mạch máu dẫn tới xuất huyết não. Bệnh thường gặp nhất là ở đối tượng từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ mắc. Hai nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu não là xơ vữa thành mạch máu do gốc tự do và thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa não. Số liệu do TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115 kiêm Tổng Thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, đưa ra cho thấy nếu 10 năm trước chỉ có khoảng 1,7% bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ thì nay con số này là 3%, trong đó tỉ lệ nam mắc cao gấp 4 lần nữ.

Trốn nắng cũng nguy cơ cao

Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Thường thấy nhất là té trong nhà tắm, ngoài đường; ngã quỵ lúc làm việc, dự tiệc, chơi thể thao… Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu BV Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng do xảy ra bất cứ lúc nào nên chẳng ai biết trước đột quỵ có rơi vào mình hay không.

Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại BV Nhân dân 115, TP HCM
Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại BV Nhân dân 115, TP HCM

Giới chuyên môn khuyến cáo nguy cơ đột quỵ cao do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Trời nắng nóng, nhiều người có thói quen tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại… mà không biết có nguy cơ giảm thân nhiệt đột ngột, ảnh hưởng đến tính mạng. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột (40 độ C xuống còn từ 17-21 độ C) sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ tức thì, mồ hôi không thoát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Nhẹ thì có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê.

Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, ở nước ta, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 người bị tai biến mạch máu não. Tỉ lệ tử vong do bệnh này cũng có tới gần 200.000 người/năm.

Các chuyên gia lưu ý những người có nguy cơ cao tai biến mạch máu não như người cao tuổi, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa. Ngoài việc hạn chế rượu bia, thuốc lá cần kiểm soát tốt huyến áp, mỡ máu, đường huyết, bổ sung thảo dược chống gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Trong mùa hè, người cao tuổi cũng nên cẩn trọng nếu đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, choáng váng, tê nửa người... Những biểu hiện này rất có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh đột quỵ.

TS-BS Nguyễn Huy Thắng khuyên xử trí ban đầu đối với người bị đột quỵ tốt nhất nên đưa đến BV gần nhất khi có các dấu hiệu đột quỵ. Không nên tự ý sử dụng các thuốc ngậm dưới lưỡi để hạ huyết áp, thuốc không rõ nguồn gốc vì làm mất “thời gian vàng” có thể cứu sống các tế bào não.

Trong trường hợp đột quỵ, nếu được chuyển cấp cứu sớm 10 - 15 phút thì khả năng sống của bệnh nhân sẽ tăng thêm 30%.

 

Bệnh lão khoa tăng đột biến

Trời nắng nóng như hiện nay khiến số bệnh nhân lớn tuổi khám chữa bệnh tăng đột biến. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi TP HCM, cho biết hiện số lượng bệnh nhân lớn tuổi tới khám chữa bệnh tại đây tăng gấp đôi so với mùa mưa, trung bình khoảng 100 trường hợp mỗi ngày. Các bệnh chủ yếu là cao huyết áp, tim mạch, viêm hô hấp...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo