Sau hàng loạt ca ngộ độc và tử vong do nấm độc thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động dự trữ than hoạt tính trong nhà để sẵn sàng sử dụng khi bị ngộ độc thực phẩm. Than hoạt tính tùy từng dạng viên, bột… mà có tên biệt dược như: Carbogast, Carbophos, Carbosylane, Carbolevure, Carbotrin. Với dạng ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố, nên dùng than hoạt tính ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường, với liều thường dùng từ 62,5-125 mg/lần x 2-3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn, trong 4-5 ngày; với ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất, thường dùng than hoạt tính ở dạng bột mịn hoặc nhũ dịch. Ngộ độc do nấm độc, người lớn dùng 1 g/kg thể trọng, trẻ em 1-2 g/kg thể trọng. Trường hợp nặng cho uống than hoạt tính nhiều lần (3-4 giờ/lần) kèm theo sorbitol (người lớn 6 gói, trẻ em 2-4 gói). Than hoạt tính và sorbitol dùng ít nhất trong vòng 3 ngày. Than hoạt tính sẽ hấp thu lượng chất độc còn nằm trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân, trong khi sorbitol giúp nhuận tràng, thải bột than chứa chất độc ra ngoài qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, dùng than hoạt tính dù ở dạng nào cũng phải được thực hiện sớm nhất có thể, tốt nhất trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể. Thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu. Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay.
Than hoạt tính không độc khi uống và không hấp thu vào máu mà thải ra ngoài cơ thể theo phân (tạo màu đen) nhưng lưu ý tác dụng phụ của các thành phần của thuốc. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc. Nếu uống quá nhiều than hoạt tính có thể gây táo bón, buồn nôn, nôn mửa.
Cũng cần lưu ý không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài; không uống than hoạt tính cùng lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng 2 giờ. Điều cần đặc biệt lưu ý là không được dùng actidoser cho bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axít hay kiềm mạnh và trẻ em dưới 2 tuổi.
Bình luận (0)