1.000 bệnh viện tham gia khám chữa bệnh từ xa
Tại hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" vừa diễn ra, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, khám chữa bệnh từ xa không phải là việc xa lạ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là mô hình khám chữa bệnh tiên tiến, đặc biệt phải đẩy mạnh trong giai đoạn này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành.
Theo PGS Khuê, khám chữa bệnh từ xa là cánh tay nối dài của ngành y tế, giúp chẩn trị bệnh, tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… Như vậy có thể hạn chế người dân đến bệnh viện (BV), tránh các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phê duyệt với mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới... góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân".
PGS Khuê cho biết, đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa". Trong giai đoạn 2020-2021 ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến đầu tháng 9-2020, khoảng 1.000 cơ sở y tế sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.
Khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội
Mời chuyên gia giỏi khám chữa bệnh từ xa
Trước đó, nói về đề án này, GS-TS Nguyễn Thanh Long, cho biết đề án khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử tập trung vào thay đổi phương thức chi trả dịch vụ y tế và vấn đề sử dụng công nghệ trong y tế. Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại cơ sở y tế. GS Long cũng đề nghị các bác sĩ giỏi của các bệnh viện dành tối thiểu 60 phút mỗi ngày để hỗ trợ tuyến dưới. Các bệnh viện cần chọn, mời chuyên gia giỏi để thu hút người nghe và thông báo cho toàn tuyến.
Trong thời gian qua, BV Đại học Y Hà Nội - đơn vị tiên phong trong mùa dịch Covid-19 vừa ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa - TeleHealth. Từ 2 bệnh viện ban đầu là BV Mường Khương (Lào Cai); BV Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay sau gần 4 tháng triển khai đã có 64 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia đề án Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội.
Khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Tim Hà Nội
Mới đây, chiều ngày 6-8 Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã khai trương hoạt động khám, chữa bệnh từ xa. Đánh giá về mô hình này, PGS Lương Ngọc Khuê cho rằng dịch bệnh Covid-19 hiện đang có diễn biến phức tạp, ngành y tế cũng đã có văn bản đề nghị các bệnh viện thực hiện giãn cách, phân luồng, sàng lọc người bệnh. Trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay một trong những giải pháp giúp nâng cao công tác điều trị, chẩn đoán, đặc biệt là giúp cho người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, việc triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia của tuyến trên sẽ kịp thời hỗ trợ tuyến dưới trong mọi tình huống. "Người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên và phòng ngừa dịch bệnh"- PGS Khuê nhấn mạnh.
Theo đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 BV tuyến trên (gồm 18 BV trực thuộc Bộ Y tế và 6 BV của Hà Nội, TP HCM ) tham gia. Các bệnh viện này với các đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu sẽ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
Chi trả bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh từ xa
Đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm đối với các dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện tuyến dưới, tuyến trên. Theo đó xác định khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả (tương tự như hội chẩn trực tiếp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể). Trong đó, mức hưởng BHYT là 100% - 95% - 80% chi phí một lần tư vấn theo giá đã xác định. Các dịch vụ phát sinh trong quá trình tư vấn, hội chẩn (như điện tim, siêu âm, X quang… được thực hiện trong quá trình tư vấn, hội chẩn - dữ liệu theo thời gian thực) được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.
Cả nước hiện có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 Phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế.
Bình luận (0)