TP HCM đã trải qua giai đoạn cam go nhất của những ngày cao điểm phòng chống đại dịch Covid-19. Có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn nói không với số ca bệnh nhưng để đạt được kết quả như hiện giờ, chính là sự đồng lòng góp sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Gia đình nhỏ chia ba
Bên cạnh đó, ngoài ý thức phòng dịch và tinh thần đoàn kết, có lẽ mũi nhọn tiêm chủng chính là "viên gạch" quan trọng bậc nhất giúp cả nước có thể vững lòng trước sự tấn công của các biến chủng virus SARS-CoV-2. Minh chứng dễ thấy nhất là chúng ta đã có những quy định về thẻ xanh, thẻ đỏ, về quyền hạn đi lại, làm việc khi tiêm đủ 2 mũi...
Đội “vắc-xin trên biển” của Bệnh viện Mỹ Đức trước giờ lên đường
Với số dân đông nhất cả nước, giai đoạn tháng 7 và 8-2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, việc bao phủ vắc-xin cho TP HCM không phải là công tác nhất thời và đơn giản. Tôi từng tò mò hỏi người bạn làm trong ngành y tế, rằng ở trong nội đô khi phải tiêm trên diện rộng đã khó thì ngoài đảo xa trực thuộc thành phố sẽ xử lý thế nào? Bạn tôi chỉ cười, rồi gửi cho xem tấm hình về những người mặc bộ đồ xanh, vượt sóng mang vắc-xin ra ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM.
Đội “vắc-xin trên biển” trên canô ra đảo Thạnh An. Chị Bơn Dơng Sô Phi ngồi thứ 4 từ trên xuống, hàng bên phải
Đó là đội tiêm của Bệnh viện Mỹ Đức (quận Phú Nhuận, TP HCM), nơi bạn tôi - chị Bơn Dơng Sô Phi - cùng đồng nghiệp đã có những ngày trực tiếp lăn xả với cây kim tiêm nơi gió to sóng lớn.
Từ ngày 9-8-2021, đội "vắc-xin trên biển" đã thực hiện những chuyến công tác đầu tiên ra ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An - một trong những xã đảo còn nhiều thiếu thốn về hạ tầng và lực lượng y tế của TP HCM.
Khó khăn ban đầu đối với đội, có lẽ là việc phải xa gia đình để chống dịch.
Chị Sô Phi sống cùng chồng con tại một phòng trọ thuộc quận Gò Vấp, TP HCM. Chồng phải cách ly, chị thì đi chống dịch nên con gái mới hơn 9 tháng tuổi được gửi về cho nhà nội chăm sóc. Một gia đình nhỏ cứ thế chia lẻ ở 3 nơi, đằng đẵng mấy tháng trời.
Chị kể bé vẫn đang bú sữa mẹ trực tiếp nên thời gian đầu rất hay quấy khóc, sau đó ít hôm thì sốt mọc răng. Vì cháu không chịu bú bình nên bà nội đành phải đút từng muỗng sữa bột. Vì sợ bé thấy mặt lại khóc nên lần nào gọi về, chị cũng không dám bật camera từ điện thoại. Có lẽ bé còn quá nhỏ để hiểu công việc của mẹ là sự hy sinh cao cả và thiêng liêng đến chừng nào.
Đêm nhớ về thành phố, trong căn phòng trống trải thiếu tiếng cười, chị tranh thủ ngủ vội sau ngày dài cùng đồng nghiệp căng mình chống dịch. Trong cơn mơ chập choạng, dù đã cố trấn tĩnh nhưng nước mắt cứ chảy dài vì nhớ con. Chị bảo "bé nó còn nhỏ quá em ạ". Dưới đất, nơi đội được bố trí làm chỗ nghỉ ngơi, có vài ba món đồ chơi trẻ con để lại, chị nhìn mà nhớ con đến quặn thắt.
Những giọt nước mắt nhớ con của chị ngày ấy, tôi tin, đã rơi theo một cách xứng đáng nhất.
Chưa bao giờ là giản đơn
Đội chị Sô Phi có 7 người, gồm 3 bác sĩ, 3 nữ hộ sinh và 1 điều phối. Riêng tại Thiềng Liềng cũng có sẵn 3 bạn sinh viên y khoa tình nguyện đi hỗ trợ.
Gói gọn trong hành trang của y - bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức chỉ vỏn vẹn dụng cụ y tế, thẻ nhân viên, điện thoại và một bộ đồ để thay khi tới đảo.
Chị Bơn Dơng Sô Phi tiêm vắc-xin cho một người dân trên xã đảo Thạnh An
"Tại sao phải thay đồ ạ?" - tôi nhớ mình đã tò mò hỏi như thế. Chị Sô Phi lúc đó cười: "Vì sóng tạt mạnh quá. Ngoài cái áo phao trên người là không thấm nước thì còn lại đều ướt rượt cả em ạ. Lạnh lắm". Tôi cũng bật cười theo. Nhưng cười xong liền cảm động khó tả. Thì ra cuộc hành trình mang vắc-xin ra đảo chưa bao giờ là giản đơn, khi khoảng cách địa lý vẫn còn xa xôi cách trở.
Chị kể buổi đầu tiên tiêm ngừa ngoài đảo là một chiều mưa kèm cúp điện.
Đội xuất phát từ thành phố lúc 5 giờ 30 phút sáng. Đường vẫn vắng tanh, lờ mờ sương sớm. Vì thành viên đa số là nữ nên không tránh khỏi cảm xúc lo lắng thường tình khi ra đường lúc trời còn chưa sáng rõ. Nhưng mấy chị em trong đội động viên nhau cố gắng khắc phục để không bị trễ buổi tiêm.
Tới nơi đã hơn 10 giờ trưa. Sau công tác chuẩn bị, khi người dân đã đến đủ, trời lại đột ngột mưa tầm tã, điện tắt ngóm. Giữa mênh mông biển nước, mọi thanh âm đều như ngừng lại, chỉ còn tiếng mưa rơi lộp bộp và sóng vỗ. Tuy vậy, công việc và trách nhiệm vẫn còn đó, chẳng thể dừng lại cùng với tiếng mưa và đèn điện được. Thành ra, trong ánh sáng le lói của đèn pin bật từ điện thoại di động của lãnh đạo địa phương, đội cố gắng làm đủ thủ tục, khám sàng lọc, tiêm ngừa vắc-xin thành công cho rất nhiều người dân trên đảo.
Đội tranh thủ tiêm đến 12 giờ 30 phút cho hết lượt đợi. Một bữa cơm nhà đạm bạc được người dân tại đó chiêu đãi là thứ ngon nhất mà chị Sô Phi được ăn trong những ngày chống dịch. Có lẽ bởi nó gom cả sự trân trọng của hành trình cho đi và nhận lại.
Chuỗi hành trình tiêm vắc-xin trên biển cứ thế nối tiếp nhau. Sáng đi sớm ra canô, tối mịt mới về lại thành phố. Ngày hôm sau lại tiếp tục vòng quay ấy. Tuy mệt mỏi, căng thẳng nhưng chẳng ai phàn nàn. Có vài cô gái trong đội biết mình vốn say sóng nên hôm nào cũng uống trước một ít thuốc chống nôn để dự phòng, rồi tự động viên bản thân cố gắng hoàn thành công việc. Với họ, những liều vắc-xin trong túi quý giá vô ngần. Dù có nhiều khó khăn hơn nữa, họ cũng đều tìm cách khắc phục, thay vì viện lý do thoái thác. Đó là điều làm tôi rất trân trọng và biết ơn.
Hình ảnh đẹp của kẻ đi, người ở
Từ ngày 9-8 đến 30-9-2021, đội đã thực hiện tiêm chủng cho toàn dân trên đảo Thạnh An với nhiều hình ảnh đẹp để lại trong lòng cả kẻ đi, người ở.
Chị Sô Phi kể lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình - từ việc đón đoàn rồi thông báo cho người dân đến việc lấy xe tới tận nhà những người được hẹn vào sáng mai để chở họ tới điểm tiêm, khi chiều hôm trước còn dư vài liều vắc-xin. Việc làm tuy nhỏ nhưng thể hiện trách nhiệm của những lãnh đạo địa phương trước sinh mạng của người dân, làm chị rất ấm lòng. Khi dịch giã, tình thương và trách nhiệm cũng sẽ giúp được nhau vượt qua khó khăn.
Và không riêng gì đội "vắc-xin trên biển" có kỷ niệm đẹp với những người ở đảo, mà ấn tượng của người dân về họ cũng đậm sâu.
Chị kể từ lúc đầu e ngại, sau khi được giải thích rõ lợi ích của việc tiêm vắc-xin, người dân rất tự giác phối hợp với đội. Có hôm tiêm ở trường học, có hôm tiêm ở khu phong tỏa, các thôn xóm làm muối hay chài lưới... Ở đâu đội tiêm cũng luôn cố gắng tiếp cận và bố trí công tác tiêm thuận lợi cho người dân nhất. Vài bà cụ móm mém còn khen cô này xinh, cô kia hiền... dù rằng vẻ đẹp của họ đều ẩn giấu sau tấm khẩu trang kín mít. Nghe vừa vui vừa xúc động.
Trở lại thành phố
Đi và về trong ngày, suốt gần 2 tháng cứ lặp lại như thế. Với chị Sô Phi, hành trình mang vắc-xin ra đảo đã trở thành một hồi ức đẹp, hệt như sự chuyển dời hai đầu nỗi nhớ.
Chị nói sẽ chẳng thể nào quên được những đêm khuya về lại thành phố khi đường sá vắng hoe trong cơn mưa xối xả, cuốn trôi những nỗi niềm mệt nhọc. Trên xe, có người lấy ảnh con ra xem, mắt nhòe ướt, có người tranh thủ ngủ sau cả ngày mỏi nhừ. Họ là "chiến sĩ ở tuyến đầu", kể từ đầu dịch đến thời điểm ấy đã không được về thăm nhà. Nhưng họ tự nguyện gác lại nỗi niềm riêng, thầm lặng hy sinh cho mục đích chung cao cả.
Có khi sóng biển tạt vào người ướt đẫm rồi dầm mưa những lúc xếp hàng chờ test Covid-19 trước khi vào phòng ở do bệnh viện bố trí thì chị và đồng nghiệp vẫn vẹn nguyên ngọn lửa hừng hực cho hành trình tiêm chủng vào sáng hôm sau ở đảo. Chị bảo "mệt nhưng vui em ạ. Giúp dân, có bao giờ là công việc buồn đâu!". Hình tượng người thầy thuốc trong tôi bỗng chốc trở nên gần gũi, thân thương tới lạ lùng.
Nhìn phố phường tấp nập cho những cuộc mưu sinh quen thuộc, thấy trường học mở cửa, bên vệ đường có cụ bà bán vé số tay run run hy vọng..., tự nhiên tôi thấy lòng mình rất đỗi bình yên. Tất cả những hình ảnh, thanh âm rất đời mà có lúc tôi tưởng mình thoáng quên ấy, giờ ùa vào rung động đến tận tim gan.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)