Một bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia không giấu nổi bức xúc về câu chuyện mà chính bác sĩ này gặp phải khi bị nhân viên bán thuốc tùy tiện đổi kháng sinh do hiệu thuốc không có loại kháng sinh như đơn bác sĩ kê. Theo bác sĩ này, khi thấy người mua phản ứng, nhân viên này lập tức bao biện: "Thuốc này cũng giống thuốc kia, chỉ khác cái tên". Không những thế, chỉ trong khoảng 15 phút có mặt tại hiệu thuốc nói trên, bác sĩ này đã chứng kiến cảnh nhiều người đến đọc triệu chứng chủ yếu là: sổ mũi, ho, nhức đầu, đau họng, tiêu chảy... thì đều được nhân viên "bốc" thuốc. Và trong các "đơn" truyền miệng đó có cả kháng sinh.
Hơn 30 năm trong nghề, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết từng đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì vi khuẩn gây bệnh nhưng kháng sinh vô tác dụng. "Từng trong vai người bệnh, tôi hỏi mua 2 viên kháng sinh (loại thuốc mà bắt buộc phải kê đơn), lập tức người bán thuốc cắt ra bán luôn. Khi tôi hỏi mua cả ngàn viên kháng sinh thì người bán hàng cũng nhanh nhảu bảo "chờ tí nữa có người mang thuốc đến".
Kể xong câu chuyện, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cũng rùng mình vì đây thật sự là điều cực kỳ nguy hiểm mà người bán lẫn người mua không nhìn thấy hậu quả. Chính sự thờ ơ của người bán đã vô tình đẩy người bệnh tới một thế hệ kháng các loại kháng sinh. Trong cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn, vi khuẩn luôn thắng. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng chua chát: "Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là mua kháng sinh dễ như thế. Dễ hơn mua mớ rau". Ông nói thêm: "Là thầy thuốc, bác sĩ không khỏi đau lòng vì 90% bệnh nhân khi tìm tới bác sĩ đã được sử dụng thuốc từ trước. Họ nghĩ rằng uống tạm và nếu không đỡ mới tìm đến bác sĩ".
Thông báo "có tới 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện", PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho rằng đây là bài toán khó cho bác sĩ và cả bệnh nhân để ca bệnh được điều trị thành công.
Tại một hội nghị mới đây về sử dụng thuốc kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận thực tế "ai cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn; dù là loại thuốc buộc phải kê đơn nhưng mua chúng còn dễ hơn cả rau". Để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Tuy nhiên, với tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh đang rất cao xuất phát từ việc tự ý sử dụng kháng sinh của người dân (ở nông thôn 91% và thành thị 88%), giới chuyên môn quan ngại việc lạm dụng thuốc kháng sinh có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài lê thê kéo theo nhiều bi kịch.
Bình luận (0)