Thông tin về anh Văn Viết Điền, 42 tuổi, ở huyện Chơn Thành - Bình Phước, mắc “bệnh lạ”, toàn thân bị lột da, đen sạm, bị nghi nhiễm ký sinh trùng chó mèo khiến không ít người thích gần gũi những loài vật nuôi này phải giật mình.
Nhiều bệnh nguy hiểm
Theo PGS - TS Nguyễn Văn Đề, Bộ môn Ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng cộm, vướng, tấy đỏ và cảm giác có vật lạ trong mắt. Điều bất ngờ là khi thăm khám, phẫu thuật, người ta đã bắt được những con giun chỉ có kích thước chiều dài từ 4 cm đến 12,5 cm. Sau khi tiến hành giải mã gien, bệnh viện đã định danh loại giun chỉ nằm trong mắt hàng chục bệnh nhân ấy là giun ký sinh ở chó, mèo.
Theo một số bác sĩ nhi khoa, lông chó, mèo còn là thủ phạm kích thích các cơn hen ở trẻ nhỏ. Đã có không ít cháu nhỏ bị lên cơn hen cấp tính, thậm chí nguy đến tính mạng, vì bố mẹ cho chơi và ngủ cùng chó, mèo. BS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết lông chó, mèo và ký sinh trùng có trên chó, mèo cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh dị ứng cho rất nhiều người. Bệnh nhân tới khám thường có các biểu hiện nổi mề đay với những mảng sẩn phù, đỏ tấy và ngứa dữ dội.
Cũng theo BS Đại, một mối nguy hiểm khác mà con người có thể mắc phải khi gần gũi chó, mèo là bệnh dại. Ở Việt Nam, chó nhà nuôi và mèo là nguồn truyền dại cho người nhiều nhất (khoảng gần 97%). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm do bị chó, mèo nhiễm virus dại tấn công. “Ngoài ra, đã có thời điểm chim cảnh cũng bị coi là thủ phạm mang đến căn bệnh cúm A/H5N1”- BS Đại thông tin thêm.
Thú cưng “sạch” cũng dễ có bệnh
Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu con người không đề phòng rất dễ bị nhiễm bệnh, có thể chết vì thú cưng. . Đặc biệt, trên cơ thể của mèo, chó thường có bọ, ve, ghẻ cư trú nên việc ôm ấp vật nuôi khiến những con bọ nhảy sang người và gây bệnh. Còn các bọ ve từ chó, mèo không chỉ gây ngứa ngáy mà cũng có thể là “vật trung gian” truyền dịch bệnh từ chuột, gây dịch hạch. “Đáng sợ nhất là những căn bệnh mà thú cưng truyền cho người không thể nhận biết trước, bởi chúng đang trong thời gian ủ bệnh nên vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Thông thường, chu kỳ phát hiện của ký sinh trùng trên cơ thể vật nuôi khoảng 3 tuần, tuy nhiên, có những vật nuôi thời gian ủ bệnh hàng tháng, hàng năm”- BS Đại lưu ý.
Phải biết chăm sóc thú cưng Theo các chuyên gia về thú y, chó, mèo phải được tắm từ 1-2 lần/tuần bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin từ khi chúng được 2 tháng tuổi, tẩy giun sán định kỳ 3-6 tháng/lần. Khi vật nuôi có các biểu hiện bệnh như lông rụng vung vãi, con vật ngứa ngáy, dụi người vào tường để gãi hoặc có những dấu hiệu bất thường như bỏ ăn, ủ rũ, không nhanh nhẹn, rên rỉ… phải đưa đến các phòng khám thú y. |
Bình luận (0)