BS CK2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa đến khám, trong đó có nhiều trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm.
Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em
Trường hợp đầu tiên là bé gái 8 tháng tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước) được mẹ đưa đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết.
Mẹ bé cho biết từ lúc 3 tháng tuổi, 2 bên má của bé đã nổi những mảng đỏ, sau đó lan ra tay, chân, da khô sần, ngứa ngáy nên bé hay cào gãi. Do lo sợ dịch bệnh và nghĩ bệnh ngoài da đơn giản nên gia đình tự điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Gần đây, bệnh da nặng hơn, bé quấy khóc, ăn ngủ kém nên gia đình mới đưa đi khám.
Một trường hợp khác là bé trai 4 tháng tuổi (ngụ quận 12, TP HCM) được người nhà đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân, thân mình xuất hiện nhiều sẩn đỏ, nhiều chỗ rỉ dịch. Bé ngứa ngáy, quấy khóc, ngủ kém, sụt cân… nên gia đình đưa bé đến bệnh viện khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện vì viêm da cơ địa bội nhiễm.
Theo bác sĩ Phượng, viêm da cơ địa là tình trạng tổn thương da tiến triển nặng hơn, lâu lành và thậm chí để lại sẹo do vi khuẩn, virus hoặc vi nấm tấn công. Các trường hợp này được điều trị bằng kháng sinh và thuốc bôi tại chỗ, khoảng 1 tuần thường cho đáp ứng tốt, sang thương cải thiện nhiều, giảm viêm, giảm rỉ dịch, không còn tróc vảy, tổ chức da được tái tạo tốt.
"Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện của viêm da cơ địa là những mụn nước mọc thành chùm nằm trên nền hồng ban và rất ngứa, làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Ở trẻ sơ sinh, thương tổn da thường gặp là những mụn nước ở trên vùng má, vùng trán, vùng mặt, nếu nặng hơn có thể lan xuống khắp thân mình. Ở những trẻ lớn hơn, thương tổn thường gặp ở cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân, nếp khuỷu tay, chân và bé rất ngứa. Có 1 số trường hợp khi lớn trẻ hết bệnh nhưng cũng có trường hợp phải sống chung với bệnh cả đời" - bác sĩ Phượng nói
Bác sĩ Phượng thông tin thêm, ngứa là triệu chứng nổi bật của viêm da cơ địa làm trẻ bị rối loạn giấc ngủ, biếng ăn qua đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh đó, ngứa ngáy nhiều sẽ kích thích trẻ cào gãi, khiến da trẻ bị trầy xước, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm da cơ địa bội nhiễm.
Những trường hợp da bị nhiễm trùng nặng, trẻ có thể bị lở loét, chảy mủ hôi hoặc thậm chí là biến chứng nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm ở trẻ bị viêm da cơ địa như: trẻ cào gãi, chà xát vùng da bệnh làm tình trạng viêm da nặng nề hơn, dễ bị nhiễm trùng; phụ huynh chăm sóc da không đúng cách, tắm/đắp lá cây, tự ý mua thuốc bôi cho con có thể khiến bệnh da của trẻ nặng hơn, dai dẳng và tái phát nhiều lần; lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Bác sĩ Phượng lưu ý ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bé bị viêm da cơ địa phụ huynh không dùng các sản phẩm chăm sóc da có nhiều bọt, chứa các thành phần hóa chất vì có thể gây kích ứng da bé. Không tự ý mua thuốc bôi hoặc lạm dụng lá dân gian để tắm cho bé.
"Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét da, để lại các vết thâm, sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ sau này. Vì vậy, khi bé có biểu hiện của bệnh lý, gia đình nên đưa bé đến ngay bệnh viện chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp, ngăn cho bệnh diễn tiến nặng nề hơn, và tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra do tự điều trị" - bác sĩ Phượng khuyến cáo.
Theo thống kê, hàng năm Bệnh viện Da Liễu TP HCM tiếp nhận gần 63.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý viêm da cơ địa đứng đầu trong các bệnh lý về da.
Bình luận (0)