xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng chủ quan với bệnh ký sinh trùng

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nhiễm giun, sán khó nhận biết nhưng để lại hậu quả nặng nề. Từ 2 tuổi trở lên, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm. Với thú cưng như chó, mèo, cần tẩy giun cho chúng 3 tháng/lần

Hiện nay, nhu cầu nuôi thú cưng như chó, mèo, chuột... ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, thực phẩm còn tràn lan cộng với thói quen sinh hoạt, ăn uống đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ký sinh trùng, chủ yếu là giun, sán xâm nhập cơ thể con người.

Áp xe gan do sán, tưởng đau dạ dày

Gần đây, chị Đ.G.Q.Y (38 tuổi, ngụ TP HCM) thường xuyên bị đau bụng. Nghĩ do đau dạ dày nên chị tự mua thuốc uống nhưng cơn đau không giảm mà càng trầm trọng hơn. Đến khám tại bệnh viện, sau khi thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán chị Y bị nhiễm sán lá gan và tạo ổ áp xe trong gan. Khai thác bệnh sử, chị Y. cho biết có thói quen ăn tôm sống chấm mù tạt.

Hiện có khá nhiều người cùng sở thích ăn đồ sống như trường hợp của chị Y. Trên một số trang mạng xã hội như TikTok, YouTube…, video hướng dẫn ăn đồ sống như thịt bò, các loại hải sản (cua, tôm, cá, hàu…) rất thu hút người xem.

Đừng chủ quan với bệnh ký sinh trùng - Ảnh 1.

BS chuyên khoa I Hoàng Oanh, Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, thăm khám cho bệnh nhân

BS chuyên khoa I Hoàng Oanh, Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, cho biết nhiều người cho rằng ăn đồ tái, sống để giữ được dinh dưỡng, độ ngon ngọt của thức ăn. Đây là quan điểm sai lầm, thậm chí có thể mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe. Thực tế, có nhiều trường hợp bị nhiễm trùng, nhiễm độc do liên quan đến ký sinh trùng khi ăn đồ sống, phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng. Một số bệnh do ký sinh trùng mà con người thường mắc phải như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn... Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau.

"Bệnh ký sinh trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Tình trạng nhẹ có thể gặp như: rối loạn tiêu hóa; ngứa ngáy lâu ngày dẫn tới mất ngủ; các vết gãi gây trầy xước da, chảy máu; mề đay, dát sẩn, mụn nước, thâm sạm ảnh hưởng tới thẩm mỹ; giảm thị lực... Tình trạng nặng do nhiễm giun, sán là mù mắt, áp xe gan, áp xe phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc, phù não, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người... Đặc biệt với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời" - BS Oanh cảnh báo.

BS Oanh cho biết tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến thăm, khám. Trong đó, bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo, sán lá gan... chiếm phần lớn. Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến các yếu tố môi trường, khí hậu, thời tiết; sở thích ăn rau sống, thịt sống, cá sống... Đặc biệt trong những năm gần đây, số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do ăn, uống phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường.

"Những trường hợp đến thăm khám chủ yếu đều xuất hiện các triệu chứng như ngứa, đau bụng. Đây là 2 triệu chứng thường gặp nhưng cũng dễ nhầm lẫn như viêm da, các bệnh lý về tuyến giáp, thậm chí một số bệnh ung thư giai đoạn đầu. Để có thể kết luận chính xác, người bệnh phải được thực hiện xét nghiệm" - BS Oanh nói.

Tẩy giun định kỳ cho cả người và chó, mèo

BS Oanh nêu thực tế nhiều người không có thói quen tẩy giun định kỳ, đặc biệt là người lớn. Việc chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng cũng thường gặp khó khăn bởi các triệu chứng không đặc hiệu, bệnh diễn tiến âm thầm… Để tìm nguyên nhân gây bệnh, thường dựa vào triệu chứng (ngứa, đau bụng...) kết hợp cùng các kỹ thuật xét nghiệm như công thức máu, nước tiểu; soi da, lông, tóc, móng, phân tìm trứng và ấu trùng giun sán; siêu âm ổ bụng…

BS Lê Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết về góc độ chuyển hóa, khi ăn đồ sống rất khó để hấp thu được. Nhiều người cho rằng khi ăn đồ sống kết hợp thêm với các loại gia vị như mù tạt, ớt, chanh… sẽ có thể loại trừ giun, sán. "Đây là quan niệm sai. Bởi những loại gia vị này chỉ có tác dụng đánh lừa cảm giác vì nó chỉ có thể khử được mùi tanh, hôi và tăng độ kích thích khi ăn chứ không diệt được giun sán và ấu trùng của chúng" - BS Hà khẳng định.

Để phòng ngừa bệnh do giun, sán, BS Hoàng Oanh khuyến cáo cần thường xuyên tẩy giun ở cả người lớn và trẻ em. Với trẻ trên 2 tuổi cần tẩy giun định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám trước khi tẩy giun. Một số đối tượng chống chỉ định tẩy giun gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính, sốt trên 38,5 độ; người mắc bệnh mạn tính (tim, suy gan, suy thận, hen phế quản…); phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu; phụ nữ đang cho con bú; trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Theo BS Oanh, bên cạnh tầm soát định kỳ, khám và điều trị bệnh ký sinh trùng, mỗi người cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh để ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập cơ thể như: rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các chất bẩn; không đi chân đất, luôn đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với đất cát bẩn; kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến; đeo găng tay, rửa sạch tay sau khi sơ chế thực phẩm; không dùng chung các dụng cụ chế biến đồ sống và đồ chín; ăn chín, uống sôi... Khi nghi ngờ ăn phải thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nên thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.

BS Oanh cũng lưu ý đối với trường hợp nuôi chó mèo, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo. Hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm; không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân; rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo 3 tháng/lần. 

Tỉ lệ nhiễm các bệnh giun, sán trong cộng đồng còn cao

PGS-TS-BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, cho biết tỉ lệ nhiễm các bệnh giun sán trong cộng đồng rất cao, tác hại cũng đã rõ nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng mức.

"Hiện công tác phòng chống giun, sán ở tuyến tỉnh chủ yếu được lồng ghép vào một số khoa phòng như: sốt rét, kiểm soát dịch bệnh... Riêng y tế tuyến huyện, xã hầu như không có cán bộ chuyên trách phòng chống giun, sán. Nhân lực phòng chống giun, sán còn hạn chế cả về số lượng, trình độ chuyên môn, chỉ có một số ít cán bộ có trình độ chuyên ngành ký sinh trùng ở tuyến trung ương, ở các địa phương hầu như chưa có hoặc chưa được đào tạo đầy đủ. Trang thiết bị trong phòng chống giun, sán ở các tuyến hầu như chưa được đầu tư, chỉ một số thiết bị được đầu tư thông qua các dự án hỗ trợ quốc tế" - BS Đồng thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo