Bạn đọc Nguyễn Thành An (nam, 50 tuổi, TP HCM), hỏi: Gần 1 năm trước, trong một đợt về quê, tôi có bị đau chân. Nhà tôi hơi xa trung tâm y tế và nghĩ rằng chỉ là bong gân thôi nên chỉ chườm đá, nẹp, bôi thuốc nhưng đau hoài không hết, tuần sao vào TP HCM khám mới biết bị một cơn gút cấp. Thú thực tôi vẫn nhớ cảm giác đó, đau thấu xương, bác sĩ còn trách, bảo lần sau đau là phải đi ngay nhưng thú thực tôi không biết cách phân biệt đâu là cơn đau chân thông thường, đâu là cơn đau do gút. Mong được hướng dẫn cách phân biệt và xử lý ban đầu, đồng thời khi có biểu hiện nặng nào thì tôi nên đi bác sĩ? Tôi có nguy cơ tái phát không và nếu để tái phát hoài có nguy hiểm không?
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào anh, bệnh gút (gout) là tình trạng viêm khớp do lắng đọng các tinh thể urat ở các khớp khi acid uric máu tăng cao. Tình trạng tăng acid uric máu tăng cao do rối loạn chuyển hóa purin. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu và sử dụng của một số thuốc (aspirin, thuốc lợi tiểu).
Biểu hiện của bệnh là các khớp bị viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) giống như các cơn đau viêm khớp thông thường nhưng đột ngột, thường gặp ở một số khớp như sau: khớp ngón chân cái, cổ chân, bàn chân, khớp gối, khuỷu… Cơn gút cấp có thể khởi phát đau sau một buổi tiệc ăn nhiều thịt hoặc uống nhiều rượu bia.
Nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách, để bệnh tiếp tục tái phát nhiều lần… có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, gây hư hại khớp và các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi bị cơn gút cấp hay bất cứ biểu hiện nào giống một cơn viêm khớp, anh nên đến bác sĩ khám ngay chứ không nên ở nhà tìm cách tự chữa.
Điều trị đau khớp do gout có thể phối hợp Colchicin và các thuốc kháng viêm giảm đau NSAIDs, điều trị giảm acid uric máu bằng Allopurinol, Diamox. Lưu ý các thuốc này cần được chỉ định, kê toa bởi bác sĩ, vì vậy anh không nên tự tìm mua, bác sĩ sẽ kê toa phù hợp với tình trạng sức khỏe của anh sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Điều quan trọng là sau mỗi đợt bệnh như vậy, anh nên điều trị phòng ngừa tái phát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống (giảm rượu bia, thịt), tuân thủ điều trị các bệnh lý khác vốn làm tăng nguy cơ xảy ra cơn gút (bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa…), giảm cân nếu như bị thừa cân, béo phì. Đồng thời, anh nên theo dõi axit uric máu bằng cách thực hiện xét nghiệm mỗi 3-6 tháng.
Bình luận (0)