Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, trong đó nghiêm trọng nhất là trẻ thiếu GH. Tuy nhiên, thực tế nhận thức về căn bệnh này trong cộng đồng còn hạn chế. Nhiều phụ huynh lầm tưởng con mình bị thấp còi, chậm phát triển chiều cao do dinh dưỡng, di truyền nên bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, bổ sung GH cho trẻ.
Không lạm dụng thực phẩm tăng chiều cao
Chị L.T.T.K (47 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết con trai đầu năm nay 11 tuổi nhưng bé chỉ cao khoảng 120 cm. Năm bé 6 tuổi, thấy con có biểu hiện thấp hơn bạn cùng lớp nên chị cho bé đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán con chậm tăng trưởng chiều cao, cần tiêm hormone. Nghĩ rằng con có thể cải thiện chiều cao bằng thực phẩm chức năng, chú trọng ăn uống nên chị không điều trị cho bé. Tuy nhiên, sau 5 năm, chiều cao của bé tăng rất ít, thấp hơn so với bạn bè trang lứa.
"Có lần bé hỏi sao con nhỏ nhất lớp thì tôi chột dạ cho con đi khám lần nữa vì sợ con ảnh hưởng tâm lý sau này. Đến bệnh viện sau khi khám, bác sĩ tư vấn phải tiêm hormone cho con" - chị K. nói.
Không chỉ chị K. mà nhiều phụ huynh cũng nhầm tưởng chiều cao có thể cải thiện cho con bằng các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ để lại hậu quả nặng nề. Điển hình mới đây, một bé gái 5 tuổi (ngụ TP Lạng Sơn) bị viêm gan cấp, đau khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng. Nguyên nhân do mẹ bé vì muốn con phát triển chiều cao nên đã tự tìm mua thực phẩm chức năng được quảng cáo là tăng trưởng chiều cao cho bé.
Đo mật độ xương để tầm soát thiếu hormone tăng trưởng cho trẻ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM
Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết khi sử dụng thực phẩm hỗ trợ chiều cao cho trẻ phải có sự tham vấn của bác sĩ. Bởi không phải tất cả sản phẩm đều được nghiên cứu khoa học cụ thể. Nếu lạm dụng thực phẩm chức năng tăng chiều cao cho trẻ sẽ gây tổn thương thận, gan… Các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao thường chứa can-xi. Khi bổ sung quá nhiều, canxi sẽ dư thừa trong máu và đi vào xương khiến xương cứng sớm dẫn tới tình trạng trẻ bị hạn chế phát triển chiều cao. Đặc biệt, thừa canxi còn ảnh hưởng tới nhiều mặt đối với sự phát triển sức khỏe của trẻ như biếng ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sỏi thận, cường giáp, các bệnh tim mạch…
Bác sĩ Chu Lý Hải Vân, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết thiếu GH là một rối loạn nội tiết phổ biến. Dấu hiệu nhận biết ban đầu là trẻ có chiều cao thấp hơn các bạn đồng trang lứa và tốc độ tăng trưởng của trẻ rất chậm, thường dưới 5 cm trong 1 năm.
Đánh giá tăng trưởng cần có quá trình. Cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52 cm. Trong năm đầu, bé tăng khoảng 20-25 cm, sang năm thứ 2 tăng 12 cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6 cm/năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.
Khi nào cần can thiệp?
Theo bác sĩ Chu Lý Hải Vân, hiện nay cách điều trị duy nhất cho trẻ thiếu GH là tiêm hormone. Việc tiêm sẽ được thực hiện bởi người thân hoặc chính bản thân trẻ do nhân viên y tế hướng dẫn. Do đó, đòi hỏi thao tác tiêm thuốc phải đúng kỹ thuật và tuân thủ tốt thời gian điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Các dụng cụ tiêm hiện nay khá dễ thao tác và hạn chế tối đa cảm giác đau cho trẻ. Tuy nhiên, một trở ngại khác của việc điều trị bổ sung GH là chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài cho tới khi trẻ dậy thì.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.
Để phát triển chiều cao cho con, cha mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, tập luyện, bổ sung các thực phẩm tốt cho sự phát triển của xương như sữa, chế phẩm từ sữa, thủy sản, các loại rau mầm, thực phẩm chứa nhiều vitamin A (lòng đỏ trứng, dầu gan cá, các loại rau quả có màu xanh thẫm, vàng, đỏ), các thực phẩm có chứa sắt...
Các chuyên gia cũng khuyến cáo ngoài chế độ dinh dưỡng, trẻ cần tăng cường vận động, hoạt động ngoài trời, đặc biệt là các môn cần rướn người nhiều như: bơi, bóng rổ, bóng chuyền, đạp xe... Bên cạnh đó, trẻ cũng cần uống nhiều nước và ngủ đủ giấc.
Hơn 1.700 trẻ được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao
Chương trình "Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em" lần thứ 6 vừa được Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khởi động. Đây là chương trình tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt do thiếu GH, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
TS-BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết chương trình nằm trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng với mục tiêu giúp cải thiện chiều cao cho trẻ - một phần trong nỗ lực nâng cao tầm vóc trẻ em Việt.
Được triển khai từ năm 2017 vào dịp hè nhằm giúp các gia đình có thể thu xếp thời gian thuận tiện cho trẻ thăm khám, đến nay chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.700 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 140 trẻ. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám.
N.Thạnh
Bình luận (0)