“Hôm rồi, cháu nói bị ngứa và ù tai nên tôi lo là bị viêm tai. Nhưng vừa nghe “đi gặp bác sĩ” là cháu la hét, khóc lóc, kêu rằng con đã làm gì sai mà mẹ đem đến bác sĩ…” - chị kể.
Cuối cùng, người bạn cũng khuyên được cháu bé đi khám bệnh. Thế nhưng, lý do cháu nằm vạ được người bạn kể lại khiến chị B. hết sức bất ngờ. Số là gần đây, cháu hơi biếng ăn, lại không thích đi trường mầm non nên hay bị cha la mắng, dọa nạt. Một lần bé ăn, đúng lúc trên truyền hình có chiếu đoạn hài kịch, trong đó nhân vật bác sĩ cầm cây kim tiêm khổng lồ dọa một bệnh nhân. Sẵn dịp, người cha cũng dọa nếu bé không ngoan sẽ đem đến cho bác sĩ chích. Hình ảnh cây kim tiêm to cộng với ký ức về những lần đi chích ngừa khiến trong tâm trí cháu, bác sĩ bỗng trở thành… “ông kẹ”.
Theo ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), việc đem bác sĩ ra để hù trẻ con là hoàn toàn không nên. Điều đó khiến trẻ đâm ra sợ các thầy thuốc, dẫn đến những tình huống phiền toái khi có nhu cầu tiếp xúc nhân viên y tế để khám chữa bệnh. Nếu trẻ đã “lỡ” sợ nhân viên y tế - dù là do cha mẹ hù hay đơn giản do trẻ từng bị đau khi chích ngừa, chữa bệnh trước đó - thì phụ huynh nên tìm cách hóa giải.
Tuy nhiên, nên lưu ý rằng thường đối tượng hay sợ bác sĩ là trẻ nhỏ - độ tuổi mà việc khuyên răn, giải thích không hiệu quả lắm. Còn nếu la mắng vì trẻ không chịu hợp tác khi đi khám bệnh thì càng có thể khiến trẻ căng thẳng thêm. Vì thế, ở độ tuổi này, giúp trẻ hiểu đúng thông qua những tình huống cụ thể là hiệu quả nhất.
Cha mẹ có thể cho con chơi trò nhập vai bác sĩ - bệnh nhân để trẻ hiểu công việc của nhân viên y tế qua cách họ giúp các bé bớt bệnh, bớt đau khi có vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, có thể cho trẻ xem phim hoạt hình, trong đó có nhân vật là bác sĩ. Dần dần, trẻ sẽ hiểu được những công việc thường xuyên ở bệnh viện, sự thân thiện của nhân viên y tế và qua đó vơi bớt nỗi sợ.
Lưu ý rằng với hầu hết trẻ em, điều dễ khiến các bé sợ nhất là khi đi chích ngừa, xét nghiệm máu. Tuy nhiên, không phải thủ thuật y tế nào cũng khiến trẻ đau. Khi chơi với trẻ, giải thích qua phương pháp trải nghiệm nêu trên, cha mẹ nên tập trung vào các loại hình khám chữa bệnh khác nhau, giúp bé hiểu rằng không phải lúc nào đến bệnh viện, gặp bác sĩ cũng phải đối diện ống tiêm.
Bình luận (0)