Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ nhỏ mới sinh thường là hậu quả của sang chấn trong một ca sinh khó, trong đó vùng “đám rối thần kinh” ở khu vực cổ - vai bệnh nhi bị tác động dẫn đến tổn thương và từ đó làm hạn chế hoặc mất hẳn một số chức năng của cánh tay nó chi phối. Biểu hiện rõ ràng nhất là cánh tay bị liệt không thể gập khuỷu lại được. Một số trường hợp nặng, mắt bên tay bị yếu liệt có thể nhỏ hơn mắt còn lại. Nếu không được điều trị sớm, trẻ sẽ phải mang cánh tay mất chức năng suốt đời. Khi lớn lên, bên tay này thường teo nhỏ, đôi khi có thể tự phục hồi một vài cử động hạn chế như nhúc nhích vai, bàn tay… nhưng không đủ để sinh hoạt, lao động.
Theo Giáo sư Gilbert, tỉ lệ mắc tật này trên thế giới là 1/1.000. Trong các trẻ mắc, cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ có thể tự phục hồi hoặc có thể phục hồi qua vật lý trị liệu. 1 trẻ còn lại cần được phẫu thuật trong thời gian từ 3-9 tháng đầu đời. Quá thời gian vàng này, khả năng phẫu thuật thần kinh để giúp trẻ phục hồi hầu như không còn. Vẫn có các phương pháp giúp cải thiện phần nào dị tật, nhưng hiệu quả không cao và đôi khi gây nguy hiểm nên cũng cần cân nhắc.
Trong hôm nay 24-5, dự kiến tiếp tục có 3 trẻ khác được phẫu thuật. Một số ca khác cũng sẽ được sắp xếp cho ngày phẫu thuật thứ ba, tức ngày mai 25-5. Đây là lần thứ 15 đoàn bác sĩ do Giáo sư Gilbert chủ trì đến Việt Nam và hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay. Kỹ thuật được áp dụng từ năm 2010 với hơn 100 ca đã được thực hiện, trong đó hơn 30 ca do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tự phẫu thuật. Các bệnh nhi sẽ được vi phẫu hoặc phẫu thuật thông qua kính lúp phóng đại để nối thần kinh bằng keo dán thần kinh hoặc chỉ khâu siêu nhỏ. Tuy nhiên, loại keo dán thần kinh được sử dụng lần này rất khan hiếm trên thị trường và Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn gặp khó khăn trong việc nhập hàng nên chủ yếu các ca mổ được thực hiện bằng chỉ khâu. Một ca mổ sử dụng keo dán thần kinh kéo dài 1,5-3 tiếng trong khi dùng chỉ khâu thì mất đến 6-8 tiếng.
Bình luận (0)