Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lo hơn, những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang trong độ tuổi lao động.
Sát thủ thầm lặng
TS-BS Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị cao huyết áp. Điển hình là anh N.G.N (20 tuổi, ngụ TP HCM), đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp lên đến 180/100.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ. Thêm vào đó, áp lực bài vở khi vào kỳ thi khiến N. căng thẳng gây tăng tiết hormone adrenalin dẫn đến nhịp tim đập nhanh hơn. Sau thăm khám, bệnh nhân được xét nghiệm thêm để tìm các bệnh lý nội khoa.
"Kết quả, bệnh nhân không có các bệnh lý kèm theo gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, gia đình không có tiền sử bệnh. Vì vậy, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc huyết áp cùng với thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để cải thiện bệnh" - bác sĩ Linh cho biết.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tăng huyết áp tại Bệnh viện Quân y 175
Theo bác sĩ Linh, cao huyết áp có 2 loại: thứ phát và nguyên phát. Trong đó, nguyên phát thường hay gặp ở người già, không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa tăng huyết áp với quá trình lão hóa của cơ thể, mạch máu mất dần độ đàn hồi dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp.
Cao huyết áp thứ phát thường hay gặp ở người trẻ và luôn xác định được nguyên nhân rõ ràng, như: rối loạn hormone tuyến thượng thận; suy thận; hẹp động mạch thận…
Yếu tố di truyền và thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, dinh dưỡng không cân bằng gây béo phì, ăn quá mặn… cũng là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp cả ở trẻ và người già.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phúc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết khi nhắc đến tăng huyết áp, người ta thường mặc định là vấn đề của người già. Tuy nhiên, thực tế thì căn bệnh này vẫn có thể xảy ra ở người trẻ hoặc rất trẻ.
Tăng huyết áp được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng" bởi nó có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào khiến ta phải "dừng lại để ý". Đặc biệt, đối với người trẻ tuổi, rất nhiều trường hợp phát hiện bị tăng huyết áp qua những lần thăm khám sức khỏe tình cờ. "Dù bề ngoài có vẻ "sóng yên biển lặng" nhưng bên trong, tăng huyết áp lại diễn tiến một cách âm thầm có thể trong một vài năm hoặc hơn. Một khi có triệu chứng rầm rộ, có thể đã tổn thương các cơ quan trong cơ thể" - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Bệnh khó phòng ngừa
Theo bác sĩ Phúc, nếu xuất hiện các triệu chứng như thường xuyên đau đầu, chóng mặt, nóng bừng mặt, mỏi gáy… thì nên nghĩ ngay đến chứng tăng huyết áp. "Bình thường mạch máu của chúng ta luôn trơn tru và đàn hồi, dòng máu có thể lưu thông dễ dàng để nuôi dưỡng các cơ quan. Nhưng khi tăng huyết áp, nó sẽ ngày càng trở nên kém đàn hồi, cứng hơn, dễ tích tụ chất béo, lâu ngày gây tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng nghiêm trọng lên tim gây nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp; lên não gây cơn thoáng thiếu máu não, đột quỵ não nguy hiểm đến tính mạng. Quá trình trên diễn ra không phân biệt tuổi tác, nên nhìn chung triệu chứng của người trẻ và người già là giống nhau" - bác sĩ Phúc lưu ý.
Bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh khuyến cáo thông thường, cao huyết áp người trẻ không phòng ngừa được vì chỉ phát hiện khi tình cờ khám bệnh. Do đó, đối với người trẻ có yếu tố di truyền (dòng họ có người đột tử, mắc bệnh tim mạch), cần thường xuyên khám sức khỏe tổng quát (6 tháng/ lần) để sớm phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Cục phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ, cho biết để hạn chế bệnh tật, trong đó có cao huyết áp, cần thay đổi lối sống, ăn uống, tập luyện để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Về điều trị tăng huyết áp ở người trẻ, cần ăn uống khoa học, tăng cường các loại rau củ quả, nước trái cây, ngũ cốc, cá nạc, giảm muối… Cách ăn uống này tốt cho hệ tim mạch nói chung và huyết áp nói riêng. Khi huyết áp quá ngưỡng thì cần dùng thuốc để ổn định huyết áp.
Hoạt động thể lực để khỏe, đẹp
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Cục Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ, để phòng bệnh cao huyết áp, trung bình mỗi tuần cần 150 phút hoạt động thể lực.
"Có câu bông đùa rằng "vòng bụng to ra, vòng đời nhỏ lại". Khi trở nên thon gọn, không chỉ đẹp hơn về ngoại hình mà còn giúp kiểm soát được huyết áp, cải thiện nhiều căn bệnh khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, hút thuốc lá có thể làm mạch máu không còn mềm dẻo như trước, dẫn đến tăng áp huyết. Rượu thì làm co thắt mạch máu nhiều hơn cũng sẽ dẫn đến hậu quả tương tự" - bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Bình luận (0)