Phóng xạ đang được sử dụng hằng ngày trong khám và chữa bệnh trên toàn cầu, trong đó có CT (phương pháp chụp cắt lớp được máy tính hóa, phổ biến toàn cầu từ năm 1970), đã giúp thầy thuốc phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn khởi phát, nhờ đó mà có các liệu pháp điều trị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ông Madan Rehani, chuyên gia cấp cao của IAEA về an toàn phóng xạ, nhấn mạnh việc sử dụng liều lượng phóng xạ ion hóa trong chụp cắt lớp không đúng hoặc lạm dụng chụp cắt lớp có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt đối với trẻ em.
Trên tạp chí y học Lancet số ngày 6-6,nhóm các nhà khoa học Canada, Anh và Mỹ cũng vừa công bố kết quả nghiên cứu chứng minh trực tiếp về mối liên hệ giữa tiếp xúc phóng xạ khi chụp CT ở giai đoạn đầu đối với nguy cơ ung thư về sau trong cuộc đời của con người.
Qua khảo sát 180.000 người từng chụp CT khi còn nhỏ hoặc dưới 22 tuổi, các nhà khoa học đã tìm thấy 74 người ung thư máu và 135 người có khối u ở não; nguy cơ bị khối u ở não cao gấp 3 lần trong số người từng trải qua 2 hoặc 3 lần CT Scan và nguy cơ ung thư máu hoặc tủy xương cũng cao gấp 3 lần nếu từng trải qua 5 - 10 lần CT Scan lúc còn nhỏ.
Với lượng phóng xạ lên tới 30 mGy, con người sẽ có khả năng mắc bệnh máu trắng cao gấp 3 lần trong đời so với các bệnh nhân chỉ tiếp xúc lượng phóng xạ dưới 5 mGy; tỉ lệ mắc bệnh máu trắng ở những người từng phải chụp CT một lần trước 10 tuổi là 1/10.000; những người phơi nhiễm từ 50 - 74 mGy phóng xạ có nguy cơ u não cao gấp 3 lần những người không tiếp xúc.
Không ai phủ nhận về mặt lợi ích nhưng trong thực tế có sự lạm dụng CT trong điều trị bệnh. Đã có người thử phân tích để thấy nguyên nhân của những lạm dụng này hoặc là do việc hình thành khuynh hướng coi kỹ thuật cao là thứ để chạy đua kỹ thuật giữa các bệnh viện hoặc là do áp lực về việc phải chẩn đoán nhanh, đúng và điều trị đúng… nhưng chắc chắn là có cả nguyên nhân do sự hiểu biết còn hạn chế của người dân về các phương tiện chẩn đoán và điều trị mới, nhất là về chỉ định và đối tượng áp dụng.
Vì thế, lời khuyên được đưa ra cho chúng ta là nên trang bị cho bản thân những kiến thức y học tối thiểu, nhất là khi mắc bệnh mãn tính; không gây áp lực tâm lý cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh.
Khi có chỉ định được chẩn đoán và điều trị bằng một kỹ thuật cao nào đó thì tốt nhất là bằng mọi cách để có giải thích rõ từ thầy thuốc về những ưu, nhược điểm của kỹ thuật được chỉ định, càng tốt hơn nữa nếu được cung cấp thông tin về nhiều phương pháp điều trị có cùng khả năng đạt kết quả như nhau để có sự chọn lựa. Dĩ nhiên, đó không phải là yêu cầu dễ dàng được đáp ứng.
Bình luận (0)