Bắt mạch cho bệnh nhân
Trước hết dù là thảo dược hay động vật hoặc sa khoáng trong tự nhiên nhưng trong các vị thuốc đều có thể gây độc cho con người khi đưa vào cơ thể, vì bản thân chúng có chứa các chất độc hại như: ba đậu, ô đầu, mã tiền, ban miêu, bọ cạp, ngưu hoàng, khinh phấn, chu sa, thần sa... Ngoài ra còn phải kể đến khi phối ngẫu với nhau các vị thuốc nếu đứng một mình thì không độc hại, lại trở thành độc hại do chúng phản nhau như lê lô với nhân sâm, huyền sâm hoặc chúng kỵ nhau như nhân sâm với ngũ linh chi.
Theo y học cổ truyền, thuốc (dược vật) luôn tồn tại tứ khí (tứ tính) là hàn, lương, ôn, nhiệt để nói lên mức độc nóng (nhiệt) lạnh (hàn) của chúng. Còn bệnh tật của con người cũng được phân làm bệnh nhiệt hay hàn và cơ địa con người cũng vậy thuộc nhiệt hay hàn. Về nguyên lý chữa bệnh thì bệnh hoặc cơ địa nhiệt thì phải dùng thuốc có tính hàn để lặp lại cân bằng âm dương và ngược lại.
Nếu dùng sai, dùng nhầm thì sẽ nguy hiểm cho người bệnh. Ví như một người tỳ vị hư hàn (lạnh) mà cho uống nhâm sâm là một vị thuốc bổ, quý hiếm nhưng có tính hàn thì bệnh chẳng khỏi, người chẳng khỏe lên mà còn nguy hiểm. Chả thế mà y văn cổ có dặn: “phúc thống” (đau bụng), phục (uống) nhâm sâm tắc tử.
Các bậc danh y ngày xưa đã tổng kết và căn dặn lại như một nguyên lý bất di, bất dịch là “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng” (người có bệnh nhiệt hoặc cơ địa nhiệt dùng thuốc nhiệt thì phát điên cuồng) “Hàn ngộ hàn tắc tử” (người có bệnh hàn hoặc cơ địa hàn mà dùng thuốc hàn có thể dẫn tới chết người).
Một dẫn chứng đơn giản nếu bị cảm mạo phong hàn thường sợ lạnh, không có mồ hôi, ngạt mũi... thì phải dùng phép phát tán phong hàn (tân ôn giải biểu) tức phải dùng các vị thuốc cay nóng như ma hoàng, quế chi, tía tô, hương phụ và xông bằng các lá có tinh dầu như cam, bưởi, sả, kinh giới, tía tô để ra mồ hôi thì sẽ khỏi bệnh.
Ngược lại nếu bị cảm mạo do phong nhiệt thì nặng đầu, miệng khô, ra nhiều mồ hôi thì phải dùng phép tân lương giải biểu với các vị thuốc mát như liên kiều, bạc hà, lá dâu, rễ sậy, thạch cao. Trong trường hợp này dùng các vị thuốc cay nóng, ra mồ hôi như trường hợp cảm mạo phong hàn thì bệnh chẳng những không khỏi mà còn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Theo lý luận, việc sử dụng thuốc Đông y muốn đạt hiệu quả chữa bệnh và bảo đảm an toàn rất sâu sắc, uyên thâm. Theo đó việc dùng thuốc, chữa bệnh phải theo “Nhân thời, nhân địa, nhân bệnh chế nghi” có nghĩa là đối với các chứng bệnh, cần căn cứ sự khác nhau về mùa, khu vực, thể chất, lứa tuổi, giới tính... mà quyết định phương pháp trị liệu và dùng thuốc.
Về mùa, tức là căn cứ sự biến đổi khí hậu 4 mùa có ảnh hưởng nhất định tới sinh lý. Khi chữa bệnh, dùng thuốc phải chú ý tới yếu tố này. Ví dụ, mùa hạ tấu lý (lỗ chân lông) mở rộng không nên dùng nhiều vị thuốc có tính tân ôn (cay âm). Mùa đông tấu lý co hại, có thể dùng nhiều hơn các vị thuốc cay ấm (tân ôn).
Về khu vực, căn cứ vào đặc điểm môi trường của địa phương mà chọn phương pháp và dược vật thích hợp. Ví dụ: Phương Nam nóng bức, ẩm thấp có nhiều chứng bệnh thấp nhiệt, thì nên chọn phép thanh nhiệt hóa thấp làm chính. Phương Bắc lạnh lẽo và khô ráo, có nhiều chứng bệnh phong hàn táo thì nên lấy phép chữa và dược vật có tính ôn nhiệt, nhuận táo là chủ yếu.
Về người, phải căn cứ vào lứa tuổi, giới tính, thể chất, thói quen sinh hoạt của người bệnh mà chọn phương pháp và dược vật thích hợp. Ví dụ người già khí huyết suy kiệt, trẻ em tạng phủ mềm yếu, sợ đắng, cay, nam nữ sinh lý và thói quen khác nhau đều bị các chứng bệnh như nhau không thể dùng phép chữa, bài thuốc, vị thuốc, liều lượng như nhau mà phải “tùy cơ ứng biến”.
Đối với người bệnh khi dùng thuốc Đông y xin đừng chủ quan, tùy tiện hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác mà phải đến khám, bắt mạch, mua thuốc theo đơn ở các phòng chẩn trị y học cổ truyền được phép hành nghề để tránh “tiền mất tật mang”.
Bình luận (0)