Để thuốc nhỏ mắt có thể phát huy tác dụng trị liệu tối đa, bệnh nhân cần phải được hướng dẫn thật chi tiết cách sử dụng. Người sử dụng cần phải nắm rõ khoảng thời gian giữa những lần dùng thuốc, phương pháp nhỏ thuốc cũng như cách bảo quản.
1 hay 2 giọt?
Mỗi lần dùng thuốc, chỉ nên nhỏ 1 giọt vì giọt thứ hai sẽ “giội” đi giọt thứ nhất, nếu không thì cũng làm tăng sự hấp thụ toàn thân và tăng độc tính. Giọt thứ hai thường sẽ nằm lại trên phần da của mí mắt và có thể làm cho người sử dụng mắc phải tình trạng dị ứng tiếp xúc. Sử dụng 2 giọt cùng một lúc còn làm tăng gấp đôi chi phí điều trị.
Bao lâu giữa 2 lần nhỏ thuốc?
Dạng bào chế của thuốc nhỏ mắt và tình trạng bệnh của bệnh nhân sẽ quyết định khoảng thời gian giữa 2 lần sử dụng thuốc. Trong những trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhỏ thuốc cách mỗi 30 phút. Ngược lại, trong trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), khoảng cách giữa 2 lần nhỏ có thể kéo dài tới 24 giờ.
Cách nhỏ thuốc
Phương pháp nhỏ thuốc rất quan trọng. Nếu nhỏ không đúng cách, thuốc có thể chảy ra ngoài thay vì vào mắt. Điều trước tiên cần lưu ý là người nhỏ mắt phải rửa tay thật sạch và tháo kính sát tròng ra. Rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt được bào chế dưới dạng dịch treo (suspension) hơn là dạng dung dịch (solution). Những loại thuốc nhỏ mắt dạng dịch treo cần phải được lắc kỹ trước khi dùng.
Khi tháo nắp ra khỏi lọ thuốc, lưu ý đừng bao giờ đặt thẳng xuống bàn vì có thể bị ô nhiễm. Cách tốt nhất là để nắp nằm ngang hoặc cầm trong tay. Lưu ý không được chạm đầu lọ thuốc vào mắt vì có thể làm mắt trầy xước cũng như ô nhiễm phần còn lại của lọ.
Theo cách nhỏ thuốc truyền thống thì lọ thuốc được giữ ngược đầu bằng một tay, giữa ngón cái và ngón trỏ, tay còn lại dùng để mở 2 mí mắt ra tạo thành một túi. Đầu bệnh nhân ngả về phía sau, mắt ngước lên trần. Đưa đầu lọ thuốc đến gần mí dưới, nhẹ nhàng ấn sao cho chỉ vừa đủ 1 giọt đi ra, thuốc sẽ vào ngay túi giữa mắt và mí dưới.
Một phương pháp nhỏ thuốc khác cũng được rất nhiều người áp dụng. Người sử dụng giữ lọ thuốc giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay thuận, dùng ngón áp út chạm vào mí dưới để mở ra, một cái túi cũng sẽ được hình thành giữa mắt và mí dưới. Ngả đầu về phía sau, mắt nhìn lên trần và nhỏ thuốc. Với phương cách này, rất hiếm khi thuốc bị nhỏ trượt ra ngoài vì đầu lọ thuốc chỉ cách mắt khoảng 3 cm.
Sau khi vào mắt, giọt thuốc sẽ đi qua tuyến lệ, từ đó có thể xuống mũi, họng. Trong một số trường hợp, thuốc nhỏ mắt có thể gây ra tác động toàn thân rõ rệt. Đặc biệt, một số thuốc nhỏ mắt có chứa các chất chẹn beta dùng trong điều trị bệnh glaucoma. Sau khi nhỏ thuốc, bệnh nhân cần phải nhắm mắt lại, dùng 2 ngón trỏ đặt vào 2 góc trong của mắt và nhấn vào thành mũi 1 hoặc 2 phút. Động tác này nhằm giúp giảm hàm lượng của thuốc có thể đi xuống mũi, họng, nhờ đó hạn chế những tác động toàn thân.
Bảo quản thuốc nhỏ mắt
Thông thường, thuốc nhỏ mắt cần phải được cất giữ ở nơi khô mát. Đối với một số dược chất có trong thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là chloramphenicol, cần phải được bảo quản trong tủ lạnh. Thuốc nhỏ mắt không thể sử dụng sau ngày quá hạn. Quy chế hiện hành (tại Úc) là một khi lọ thuốc nhỏ mắt được mở ra thì sẽ trở thành phế phẩm sau 28 ngày.
Đối với những bệnh nhân bị dị ứng hoặc phản ứng do các chất bảo quản trong thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê toa loại thuốc nhỏ mắt không chứa các chất bảo quản. Hiện nay, rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt được bào chế theo dạng này và chỉ được sử dụng một lần.
Bệnh nhân sử dụng thuốc nhỏ mắt cần kiểm tra nhãn thuốc mỗi khi dùng. Thực tế, hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm khác có mẫu mã giống lọ thuốc nhỏ mắt như hồ dán, chất thuộc da..., dẫn đến nhiều tai nạn nghiêm trọng do nhầm lẫn.
Nếu bệnh nhân cần nhỏ từ 2 loại thuốc nhỏ mắt trở lên thì phải chờ ít nhất 3 phút, trước khi nhỏ loại tiếp theo. Muốn đeo kính sát tròng lại, cần phải chờ ít nhất 15 phút sau khi nhỏ giọt cuối cùng.
Bình luận (0)